Mua nhà đúng thời điểm thành phố giãn cách khiến gia đình chị Nga được tận hưởng không gian yên tĩnh. Mọi chuyện trở nên bất ổn từ đầu năm nay khi các hoạt động giao thông khôi phục, sự ồn ào của các phương tiện chạy trên đường vọng thẳng vào nhà.
"Tiếng la hét của trẻ nhỏ, khoan đục tường, vợ chồng cãi nhau, bố mẹ mắng con, bát đĩa rơi vỡ... cộng hưởng với tiếng còi, động cơ mỗi khi tôi mở cửa ban công khiến cả nhà không ai chịu nổi", chị Nga than phiền. Mỗi lần như thế, người lớn nói chuyện như cãi nhau, trẻ nhỏ không thể tập trung học, muốn xem tivi phải bật đến mức 35, dù đóng kín cửa.
Từng thử lắp kính chống ồn, sau phản ánh đến ban quản lý vì mong có giải pháp xử lý, nhưng chị được khuyên "nên chấp nhận và thích nghi bởi hoàn cảnh chung".
Chọn mua nhà cách đường lớn gần một km để giảm tiếng ồn nhưng gia đình chị Hoàng Lan, ở tầng 4 chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) cùng nhiều hộ dân cũng bị tra tấn bởi các bài hát nhạc vàng, nhạc đỏ từ loa kéo của một nhóm người dưới sân, nhiều tháng nay.
"Họ ồn ào vào tất cả các khung giờ. Ngày cuối tuần muốn ngủ thêm chút cũng không được vì tiếng nhạc xập xình gọi dậy, dù cửa đóng chặt", chị Lan cho biết. Tình trạng kéo dài nhiều tháng buộc cư dân kiến nghị lên ban quản lý tòa nhà, nhưng họ chỉ yên tĩnh được vài hôm.
Nhiều gia đình có nhà mặt đất cũng trong tình trạng tương tự. Hễ nghe tiếng loa bên nhà hàng xóm phát tiếng, Đức Chung, 30 tuổi, ở TP HCM vội đóng chặt cửa chính, cửa sổ, vì biết họ sắp hát. Các buổi karaoke từ 18h đến 23h xuất hiện từ đầu năm nay khi vợ chồng hàng xóm về hưu.
Anh Chung từng sang góp ý nhưng tiếng loa chỉ giảm chút, vài ngày sau trở lại như cũ với lý do "tôi làm gì trong nhà kệ tôi". Chàng trai 30 tuổi đành đeo tai nghe đi ngủ, cuối tuần sang nhà bạn ở nhờ. "Đều là hàng xóm tôi không muốn trình báo chính quyền, sau khó nhìn mặt. Nhưng nhiều tháng nay, tôi sợ ở nhà", anh thở dài.
Ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị là vấn nạn không mới nhưng nhức nhối vì chưa có phương án giải quyết. Khảo sát trực tuyến của VnExpress hôm 18/10 với 350 người tham gia cho thấy, tất cả đều thừa nhận từng khổ sở vì tiếng ồn. Đối mặt với tình trạng trên, 13% nói tiếp tục chịu đựng, 50% phản ánh đến ban quản lý tòa nhà hoặc cơ quan chức năng; 37% nói tự thiết lập các giải pháp chống tiếng ồn trong nhà.
PGS.TS Bùi Thị An, viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết ô nhiễm tiếng ồn rất nguy hại nhưng ít được quan tâm và xuất phát từ các phương tiện giao thông; hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng; sinh hoạt hộ gia đình...
"Hà Nội có hơn 8 triệu dân, gần 7 triệu phương tiện giao thông, hàng chục khu công nghiệp, các hoạt động kinh doanh, giải trí... cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, càng thúc đẩy tốc độ ô nhiễm tiếng ồn gia tăng", bà An nói và trích dẫn các kết quả quan trắc môi trường, nhiều khu vực có mức độ ô nhiễm tiếng ồn vượt mức cho phép.
Chẳng hạn tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Ban đêm, tiếng ồn trung bình 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA.
Ở chung cư nhà chị Lan, sáng 16/10, một số thanh niên đã mang loa kéo bật nhạc đám ma để trả đũa tiếng nhạc khiêu vũ của một nhóm người cao tuổi. Những tưởng vụ việc đã kết thúc nhưng tối cùng ngày, nhóm người cao tuổi trên lại tổ chức nhảy khiêu vũ trên nền nhạc đám ma khiến người chứng kiến dở khóc dở cười. "Đây là hành động gây mất trật tự an ninh công cộng, buộc chúng tôi phải báo cáo chính quyền", chị Lan bức xúc.
Một tổ trưởng tổ dân phố ở khu đô thị HH Linh Đàm xác nhận nhóm người cao tuổi từng bị nhắc nhở, lập biên bản nhưng vẫn tái phạm.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Xuân Chinh, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho biết đã giao cán bộ đô thị kết hợp với công an phường nhắc nhở, chấn chỉnh. Trong trường hợp người dân ghi lại bằng chứng gây ồn ào vượt ngưỡng cho phép, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo luật định.
Trên thực tế, Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định cụ thể mức chế tài xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Hầu hết cơ quan chức năng đều cho biết rất khó thực hiện bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, điển hình nhất là việc đo và phân tích âm thanh phải là đơn vị độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận. Chưa kể, mức độ ồn phải trừ đi độ ồn nền (phương tiện giao thông, tiếng nói chuyện, âm thanh của cơ sở khác) nhưng trong nhiều trường hợp, độ ồn nền cũng đã vượt mức cho phép.
Chịu đựng tiếng ồn từ sáng đến đêm khiến gia đình anh Chung, chị Nga thường trong tình trạng mất ngủ, buộc phải đi khám và điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám do mất ngủ tăng 10-20% so với thời điểm trước dịch, ở mọi lứa tuổi. Tình trạng mất ngủ tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu như căng thẳng trong công việc, cuộc sống, ảnh hưởng của tiếng ồn nơi ở. Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%, tuy nhiên bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).
Ngoài tiếng ồn dân sinh, nhiều người sống tại làng nghề truyền thống, xưởng cơ khí, hàn xì cũng chịu âm thanh vượt ngưỡng cho phép. Như Hồng Ngọc, 28 tuổi, thuê nhà ngay trong làng Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nơi có nghề làm cốm lâu đời. "Tiếng máy xay, xát, chày giã cốm liên tục từ 3 giờ sáng đến tối muộn khiến đầu tôi muốn nổ tung, cảm giác tim đập nhanh và bị ù tai mỗi khi nghe tiếng động lớn, buộc phải đến bệnh viện kiểm tra", Ngọc cho biết.
Chia sẻ với VnExpress tháng 4/2021, bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết số người mắc vấn đề về thính giác có xu hướng tăng và trẻ hóa. Trước đây bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi và nhóm trẻ em có vấn đề bẩm sinh, còn nay số người trên 40 tuổi đến khám tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo 25% dân số thế giới sẽ gặp phải các vấn đề về thính giác vào năm 2050. Số người có nguy cơ mất thính giác có thể tăng hơn 1,5 lần trong ba thập kỷ tới, từ 1,6 tỷ năm 2019 lên 2,5 tỷ người.
"Nhưng tôi không thể làm đơn yêu cầu các hộ dân ngừng sản xuất bởi đây là nghề họ mưu sinh. Cách duy nhất bảo vệ đôi tai là chuyển trọ", Ngọc nói.
Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, có ba nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị Việt Nam. Một là, những cư dân gây ồn ào từng ở nơi rộng rãi, biệt lập, không hiểu sự khó chịu của hàng xóm; hai là do ý thức cộng đồng chưa cao, sống ích kỷ và ba là việc quản lý, xử phạt chưa quyết liệt dù chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể.
Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, gợi ý người dân nên chọn các công trình nhà ở có độ cách âm tốt hoặc lắp thêm các lớp chống ồn tại nhà. Tuy nhiên thay mới vách ngăn, lắp đặt cửa kính dễ gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, chi phí lớn, lại cần sự cho phép của các chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà.
"Do vậy, thay đổi nhận thức, tăng cường giáo dục cho người dân trong việc đảm bảo văn minh đô thị là khả thi nhất và cần được nhân rộng", ông Tùng nói.
Với gia đình chị Thúy Nga, mong có cảm giác thư thái, được ngủ ngon và hít thở không khí trong lành, chị dự định sẽ chuyển đến chung cư cao cấp, tách biệt với các trục đường chính và khu công nghiệp khi có tiền.
"Còn để trông chờ vào các giải pháp như lắp tấm chắn ồn trên đường hoặc giảm thiểu lượng xe cộ di chuyển không biết đến bao giờ. Tôi phải tìm cách cứu lấy mình và gia đình thay vì vật lộn với tiếng ồn mỗi ngày", người phụ nữ 30 tuổi cho biết.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/cu-dan-do-thi-kho-vi-o-nhiem-tieng-on-4525562.html