Công an Hà Nội vạch trần thủ đoạn lừa đảo của các sàn giao dịch Forex
16:23 11/06/2021
Ngày 10/6, Công an TP Hà Nội đã có những khuyến cáo về việc tổ chức kinh doanh, giao dịch, tham gia chơi Forex (trao đổi tiền tệ quốc tế) khiến nhiều người bị thiệt hại nặng nề trong thời gian gần đây.
Thủ đoạn tinh vi để lôi kéo người chơi
Theo thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư.
Cách gọi nôm na là chơi Forex (Foreign Exchange) được hiểu là giao dịch bằng cách mua, bán loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch tính theo phần chênh lệch giữa mua vào và bán ra.
Phương thức hoạt động chủ yếu của các sàn là cho nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại); liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook; tư vấn người chơi "đánh lệnh".
Ban đầu, các sàn thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó, nhân viên liền tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Các nhân viên thường tô vẽ lên rằng dự án, mô hình hệ thống này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, là những hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất khủng 15 - 30%/tháng.
Để thu hút người chơi, các đối tượng còn đưa ra chế độ hoa hồng cấp độ rất lớn theo mô hình kim tự tháp, càng kêu gọi được người tham gia, càng đầu tư nhiều tiền, lợi nhuận càng cao.
Nhiều người chơi phản ánh vì tin lời quảng cáo rằng "đây là sàn tài chính quốc tế, liên kết với các nước trên thế giới" nên đổ hết số tiền tiết kiệm vào đây. Ban đầu họ "nạp" 10 triệu đồng sẽ được 50 đồng tiền ảo, hàng ngày truy cập vào trang chủ Forex để theo dõi giá đồng tiền lên xuống và chờ thời cơ bán ra hưởng chênh lệch, nếu không muốn giao dịch thì cứ để tiền trong hệ thống và hưởng lãi. Một hai tuần đầu, người chơi được trả lãi bằng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng.
Nhưng sau đó nhận được thông báo là hệ thống trong thời gian nâng cấp nên không được trả lãi và nhóm admin nói sẽ trả lãi bằng một đồng tiền ảo khác sắp lên sàn. Một tháng sau, người chơi không thấy đồng tiền mới đâu và cũng không đăng nhập được vào trang web Forex, mất liên lạc với người hướng dẫn. Lúc này, họ mới biết mình mắc bẫy.
Đáng chú ý là các sàn Forex được thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, "đánh cháy" tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng).
Nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng. Nếu nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Khi đã chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của công an và lặn mất tăm.
Như vậy, mọi chiêu trò đều do các đối tượng cầm đầu sắp đặt. Tuy nhiên cũng có người tham gia có thể rút và đổi được tiền điện tử, đây là hình thức lừa đảo nhằm tạo lòng tin cho người tham gia. Một số đối tượng có tài khoản trên các sàn quốc tế thật kết nối với những đối tượng ở nước ngoài nên chúng có thể rút tiền và đưa tiền vào tài khoản của admin. Khi người chơi muốn rút tiền trong giai đoạn đầu, các đối tượng thường lấy tiền trong tài khoản của admin đó chuyển cho người chơi.
Gánh rủi ro lớn , mất tiền oan và phạm luật
Theo Công an Hà Nội, nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam. Bởi vậy mọi hình thức kinh doanh, giao dịch sàn Forex là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Người chơi được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp.
Bản chất của việc giao dịch ngoại hối là sự tương tác giữa người đầu tư và chủ sàn diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia các sàn Forex trái phép. Chưa kể, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp.
Người chơi Forex không những có nguy cơ bị mất tiền "oan" mà còn bị xử phạt hành chính 10-30 triệu đồng theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Nhân viên môi giới Forex có thể bị xử phạt hành chính đến 250 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo điều 290 Bộ luật Hình sự.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra cảnh báo: "Khi tham gia các sàn đầu tư tài chính không được pháp luật cho phép, nhà đầu tư còn bị rủi ro lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống. Nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị các sàn cho thua hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất".
Về rủi ro pháp lý, Cục nhận định, hiện có rất nhiều sàn đầu tư tài chính có dấu hiệu lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh, có dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức trái phép, ví dụ như Forex Liber, AFGold, Bitomo…
Mặt khác, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt lên đến 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cuối tháng 3, Công an Hà Nội triệt phá thành công bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và bắt giữ 26 nghi phạm. Ba người cầm đầu là Vũ Đình Hùng, Phạm Mạnh Hùng (trú tại TP HCM) và Phạm Thị Thái (Hà Nội) bị khởi tố để điều tra tội Sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật Hình sự. Nhóm này đăng ký thành lập công ty ở nước ngoài để xây dựng website kết nối với hệ thống MT4 MT5 (công cụ phân tích kỹ thuật); tổ chức kinh doanh sàn forex tại nhiều địa phương trong như Hà Nội, TP HCM và Campuchia. Nhóm đã lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, sau đó dùng thủ thuật chiếm đoạt tiền.
Ngoài ra, ba app lớn bị "sập" gần đây là Coolcat, Busstrade và PChome đều dùng chiêu thức dụ "đầu tư tài chính", kiếm tiền online. Các app đều kêu gọi nộp tiền đầu tư, hưởng lãi cao sau đó biến mất.