Các kỹ sư Trung Quốc thông báo lập kỷ lục thế giới mới khi thay thế một đoạn cầu đường sắt chỉ trong 4 giờ mà không gián đoạn hoạt động bình thường của đường ray.
Máy Thái Hằng, cỗ máy thay thế cầu đường sắt đầu tiên trên thế giới, được dùng để thay thế đoạn cầu cũ mòn trên tuyến Shuohuang ở tỉnh Hà Bắc, theo Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC), SCMP đưa tin hôm 22/6. Nhóm kỹ sư thiết lập thành tích mới về hiệu suất sửa chữa được thiết lập hôm 20/3, sử dụng một cỗ máy thông minh cho phép bảo trì nhanh chóng và an toàn.
Đây là một trong những tuyến đường giao thông đông nhất ở Trung Quốc, nối liền khu vực sản xuất than đá phía tây tỉnh Thiểm Tây với cảng xuất khẩu than lớn Hoàng Hoa ở tỉnh Hà Bắc. Tuyến đường sắt dài 500 km vận chuyển hơn 4,4 tỷ tấn than đá, bằng khoảng một nửa sản lượng than đá toàn cầu hàng năm trong hai thập kỷ hoạt động.
Cỗ máy đặt theo tên dãy núi Thái Hằng ngăn cách miền bắc và miền trung Trung Quốc, là loại máy gập được, có thể vận chuyển bằng đường sắt và triển khai tại chỗ. Cỗ máy trang bị công nghệ và thiết bị tiên tiến như cơ cấu định vị và điều chỉnh chính xác, giúp xử lý nhiều nhiệm vụ thay thế cầu khác nhau, bao gồm ở địa hình phức tạp và trên các trụ cầu cao. Trước đây, hoạt động thay cầu nhanh nhất diễn ra trong 12 giờ, theo CRCC. Tốc độ làm việc của cỗ máy cho phép hoàn thành việc thay cầu trong thời gian cực ngắn khi đường sắt không có tàu chạy qua, tránh gián đoạn hoạt động bình thường và ảnh hưởng tới dịch vụ tàu hỏa.
Quá trình bắt đầu với việc chuẩn bị đoạn cầu mới cùng với đá dằn và đường ray ở một nhà ga gần đó. Đoạn cầu mới được đặt lên máy Thái Hằng. Cỗ máy sau đấy vận chuyển đoạn cầu mới tới khu vực cần thay thế. Tại đó, máy Thái Hằng biến đổi để chuẩn bị cho quá trình thay thế, bao gồm nâng phần cầu hiện có lên, đặt trên một phương tiện và lắp đặt đoạn cầu mới vào vị trí. Cỗ máy ráp chuẩn vị trí và điều chỉnh chính xác đoạn cầu mới để đảm bảo độ thẳng và ổn định.
Sau khi lắp xong cầu mới, cỗ máy nhanh chóng khôi phục tuyến đường sắt về trạng thái hoạt động bằng cách nén chặt nền đường ray bằng búa lớn. Đoạn cầu cũ sau đó được vận chuyển khỏi công trường bằng máy Thái Hằng, hoàn tất quá trình thay thế. Việc thay cầu đường sắt thành công bằng máy Thái Hằng đánh dấu thành tựu công nghệ quan trọng trong bảo trì cơ sở hạ tầng đường sắt.
Wu Jingpeng, kỹ sư phụ trách dự án thay thế cầu đường sắt ở Viện thiết kế và khảo sát đường sắt Trung Quốc số 5, cho biết các phương pháp thay thế cầu đường sắt hiện nay trên thế giới bị hạn chế bởi tình hình cụ thể, bao gồm dịch chuyển theo phương ngang và thay thế bằng cần cẩu giàn. Cả hai đều cần đóng tạm thời tuyến đường sắt và chuyển hướng lưu thông tàu hỏa theo lộ trình khác trong suốt quá trình thay thế.
Nhiều tuyến đường sắt hiện nay ở Trung Quốc đã hoạt động nhiều năm, một số có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Hơn 40% cầu đường sắt đã được sử dụng hơn 3 thập kỷ. Để duy trì hiệu quả và độ an toàn của tàu tốc độ cao, việc duy trì và sửa chữa tuyến đường sắt cực kỳ quan trọng nhằm giảm thiểu gián đoạn và đảm bảo hoạt động trơn tru.