Thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc vẫn có thể thực hiện được, nhưng cả hai bên có thể phải đợi sớm nhất đến năm 2023 để phê chuẩn, một nhà phân tích từ tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết.
EU và Trung Quốc đã nhất trí về thỏa thuận này vào tháng 12 năm ngoái sau 7 năm đàm phán. Nhưng căng thẳng giữa hai bên (áp đặt các lệnh trừng phạt lẫn nhau) đã khiến Nghị viện châu Âu đóng băng thỏa thuận cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các chính trị gia EU.
Bất chấp diễn biến căng thẳng, Neil Thomas, nhà phân tích tại Eurasia Group, cho biết EU và Trung Quốc về lâu dài sẽ vẫn phê chuẩn Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư.
"Thỏa thuận này thực sự có lợi cho châu Âu, và nó sẽ dần nhận được một lượng lớn sự chấp thuận của các quan chức EU và đa số thành viên của khối", ông Thomas nói.
Các nền kinh tế bao gồm EU và Mỹ từ lâu đã đưa ra lo ngại về các hoạt động công nghiệp của Bắc Kinh nhằm cản trở các công ty nước ngoài cạnh tranh công bằng ở Trung Quốc. Các khiếu nại của họ bao gồm trợ cấp của Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như buộc chuyển giao công nghệ từ một công ty nước ngoài cho đối tác Trung Quốc.
Ông Thomas giải thích rằng những lợi ích của thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc sẽ bao gồm việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc, cũng như các quy định tốt hơn liên quan đến trợ cấp, các doanh nghiệp nhà nước và chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, ông Thomas lưu ý, bất kỳ sự phê chuẩn nào của Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư có thể sẽ không diễn ra sớm nhất là cho đến năm 2023.
Điều đó một phần là do các sự kiện như bầu cử liên bang của Đức vào tháng 9 và chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào mùa xuân năm 2022 có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận, nhà phân tích cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không muốn tỏ ra yếu thế bằng cách nhượng bộ EU trước Đại hội toàn quốc của Trung Quốc vào mùa thu năm 2022.
Ngoài những lợi ích kinh tế, Trung Quốc có thể gặp phải nhiều bất lợi địa chính trị nếu thỏa thuận cuối cùng không được phê chuẩn.
Nhà phân tích nói thêm rằng sự quyết đoán và bành trướng của Trung Quốc trên toàn cầu đã "tạo ra nhiều không gian hơn cho EU-Mỹ để hợp tác cả về kinh tế cũng như chính trị".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhiều lần tuyên bố ý định hợp tác với các đồng minh ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Một trong những lần hợp tác đầu tiên đã xảy ra vào tháng 3 khi Mỹ, EU, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tây Bắc Tân Cương. Bắc Kinh đã trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với bốn nền kinh tế.
Trung Quốc cũng xuất hiện một cách rất nổi bật trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-7 và cuộc họp giữa các thành viên NATO.
Ông Thomas chỉ ra rằng "Trung Quốc đã không phản ứng tốt" với các tuyên bố từ các cuộc họp đó. Ông nói rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, cách tiếp cận của Joe Biden trong việc ưu tiên các liên minh và hình thành các khối chống lại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và khả năng tiếp cận công nghệ cao của nước này.