Sunday, 24/11/2024

Chuyển đổi số và chuyện vận hành hiệu quả, an toàn ‘trên mây’ tại Vietnam Airlines

20:46 04/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Với 200 hệ thống phần mềm và hàng trăm máy chủ, Vietnam Airlines xác định cần phải chuyển dịch lên nền tảng điện toán đám mây để tối ưu hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn dữ liệu theo quy định của pháp luật cũng là điều cần thực hiện.

Từ lâu nay, khi di chuyển trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, các hành khách đều nhận thấy sự thay đổi mỗi ngày một khác, càng lúc càng nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Từ năm 2019, đây là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên trang bị hệ thống Wireless streaming trên máy bay A321neo, do đó hành khách có hành trình bay dưới 03 giờ có thể sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay… ở chế độ máy bay để truy cập vào các chương trình giải trí.

Khách hàng check in online với chuyến bay của Vietnam Airlines.

Khi Vietnam Airlines chuyển đổi số

Hãng này cũng đã đẩy mạnh các hình thức làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động và tăng cường các quầy tự làm thủ tục Kiosk check-in tại nhiều sân bay trong và ngoài nước. Từ năm 2019, hãng đã cho ra đời phiên bản ứng dụng di động giúp hành khách tìm kiếm chuyến bay, tra cứu hành trình, đặt vé trực tuyến, cập nhật kịp thời các chương trình ưu đãi, tra cứu bản đồ bay…

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn mở rộng nhiều phương thức thanh toán trên nền tảng công nghệ mới như QR code, đồng thời bổ sung dịch vụ thanh toán trực tuyến SOFORT Banking tại các thị trường Đức, Thụy Sỹ và Áo…

“Với mục tiêu trở thành hãng hàng không số vào năm 2025, Vietnam Airlines xác định chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng trong suốt hành trình – kể từ khi khách hàng nghĩ tới vé máy bay cho đến khi kết thúc hành trình”, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cho biết.

Theo đó, khi các vị khách xuất hiện ý định mua vé máy bay, thể hiện qua việc tìm kiếm vé trên website hay app thì Vietnam Airlines đã sẵn sàng “đoán ý” để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nếu như khách hàng đã mua vé, Vietnam Airlines có thể gợi ý những dịch vụ khách sạn, hành lý, bảo hiểm… nhằm giúp họ có một hành trình trọn vẹn.

Đối với khách nối chuyến, Vietnam Airlines tự động nhắn tin nhắc nhở những giấy tờ cần chuẩn bị cho chặng bay sau. Và khi chuyến bay kết thúc, hệ thống cũng tự động cảm ơn, gửi lời chúc một chuyến đi vui vẻ và gửi khảo sát lấy ý kiến khách hàng nhằm khắc phục những vấn đề còn thiếu sót…

Tuy nhiên, chuyển đổi số một doanh nghiệp lớn không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bề ngoài. Vietnam Airlines đã xây dựng một đề án chuyển đổi số, xây dựng Trung tâm Chuyển đổi số và hồi tháng 5/2022 đã khởi động dự án đánh giá mức độ trưởng thành số.

Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá toàn diện mức độ trưởng thành số dựa trên 6 lĩnh vực then chốt: Khách hàng, Chiến lược, Vận hành, Công nghệ, Văn hóa, Dữ liệu được xác định tại “Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp”. Trên cơ sở đó, công ty này xây dựng các định hướng, chiến lược và các hành động triển khai các sáng kiến chuyển đổi số. Tất cả hành trình này có sự đồng hành, tư vấn Tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam - Viettel.

Chuyển đổi số và câu chuyện tuân thủ luật pháp với hệ sinh thái cloud Việt

Trong sự kiện ra mắt Hệ sinh thái Viettel Cloud mới đây, ông Lê Hồng Hà cho biết, mỗi năm, Vietnam Airlines phục vụ trung bình hơn 140.000 chuyến bay, hơn 20 triệu lượt khách và hàng triệu hội viên Bông Sen Vàng với chỉ số đúng giờ luôn đạt gần 90%.

“Để đạt được và duy trì kết quả vận chuyển như trên, chúng tôi sử dụng hơn 200 hệ thống phần mềm và hàng trăm máy chủ”, CEO Vietnam Airlines tiết lộ. Với số lượng máy chủ và hệ thống đồ sộ như vậy, công ty này bắt buộc phải đưa hạ tầng lên nền tảng điện toán đám mây, để tối ưu vận hành. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhu cầu đi lại đường hàng không đang bùng nổ trở lại sau đại dịch covid-19.

Theo ông Hà, nếu hàng không hay viễn thông là các dịch vụ thiết yếu của đời sống, thì điện toán đám mây là dịch vụ thiết yếu của thời đại chuyển đổi số. Đây chính là nền tảng quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Chính vì vậy chúng tôi rất ủng hộ những đơn vị lớn và uy tín như Viettel cung cấp hệ sinh thái Cloud tại Việt Nam”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines là một hãng hàng không cung cấp dịch vụ toàn cầu, vì vậy, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp Quốc tế và Việt Nam. Theo ông Hà, Vietnam Airlines đã xây dựng chính sách Bảo mật, đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, lưu trữ, điều chỉnh… thông tin cá nhân luôn tuân thủ quy định về Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh Châu Âu – GDPR và luật pháp các nước có liên quan.

Mới đây, ngày 15/8/2022 Chính phủ đã ban hành nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định về việc dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam. “Tuân thủ nghị định này, trong lộ trình chuyển dịch lên điện toán đám mây giai đoạn 2022-2025, chúng tôi xác định việc lưu trữ, quản lý dữ liệu tại Việt Nam sẽ do các kỹ sư công nghệ thông tin lành nghề của Vietnam Airlines vận hành và quản lý”, CEO Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Theo Tiền phong

https://tienphong.vn/chuyen-doi-so-va-chuyen-van-hanh-hieu-qua-an-toan-tren-may-tai-vietnam-airlines-post1483569.tpo

Chia sẻ bài viết

Thong ke