Nhằm hưởng ứng “chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, dịnh hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH& CN thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các làng công nghệ tổ chức triển lãm triển khai chuỗi sự kiện Techfest 2022 hướng tới hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phụ hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới của đại dịch COVID-19.
Trong đó, nội dung chủ đề tháng 6/2022 là “Chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN & PTNT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ này triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ NN & PTNT lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.
Hội thảo chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn, chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà để giúp các nhà nông, các doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật tri thức mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển.
Đó chính là các nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong nông nghiệp" do Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 29/6.
Phát biểu khai mạc hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus thông tin, trong bối cảnh dân số thế giới liên tục tăng trưởng, dự báo đến năm 20250 thế giới sẽ có 9,5 tỷ dân, trong đó có tới 50% dân số sống ở khu vực đô thị. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thực phẩm ngày càng cao. Song song là sự nhu cầu về mức độ minh bạch, độ tinh khiết và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thương mại sản phẩm diễn ra trên quy mô toàn cầu dẫn đến những vướng mắc về quy định giữa các quốc gia.
Trước những vấn đề trên, sản xuất nông nghiệp đang hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất hàng hóa nông nghiệp sử dụng những công nghệ cao, ít có tác động với môi trường.
Tuy nhiên, điều này cũng phải đi kèm với nhiều thách thức. Điển hình là năng suất nông nghiệp vẫn còn tương đối thấp, tình trạng sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ còn phổ biến.
Song, sau đại dịch COVID-19, nền nông nghiệp Việt Nam đã và đang cơ hội để chuyển mình nhờ chuyển đổi số khi công nghệ phát triển và hỗ trợ đắc lực cho các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong chuỗi giá trị.
Theo đó, phát triển nông nghiệp số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới; Việt Nam cần thiết phải chuyển đổi số trong nông nghiệp do nhiều lợi ích mà nông nghiệp số mang lại, như tạo ra sự liên tục trong sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, tăng hiệu lực, hiệu quả của giám sát, tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn…
Nông nghiệp công nghệ cao không nên được coi là một phong trào. Đó là bài toán nghiêm túc và dài hạn với những thách thức cần phải giải quyết
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết phải phát triển nông nghiệp số để giải quyết nhiều khó khăn mà nông dân hay gặp phải, dễ thấy nhất là nông dân không bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng nên giá thường thấp; không tạo ra sự khác biệt về nông sản vì thiếu xuất xứ, không thương hiệu; nông dân mua đầu vào không biết có đúng giá, đúng chất lượng; thiếu kết nối; thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo…
Hiện nay, ngành nông nghiệp của TP.HCM đang được chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp TP.HCM tăng bình quân 21,1%/năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ số và xã hội số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho nông dân và người dân nông thôn với nhiều thông tin bổ ích, khắc phục một phần khoảng cách về địa lý, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp hiện nay để được sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Chính phủ
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết “TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số với chương trình chuyển đổi số được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố; trong đó, nông nghiệp là một trong 10 ngành được ưu tiên chuyển đổi. Trong đó, trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực có thể đột phá trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp”.
Hiện nay, trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data (dữ liệu lớn) cũng bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số, như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây. Người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ứng dụng công nghệ DNA mã vạch cũng đang từng bước được sử dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản.
Ứng dụng SmartAgri vào mô hình sản xuất dưa lưới với các chức năng chính là tự động hóa quy trình quản lý trồng trọt; hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ; thu thập, phân tích thông tin môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, ánh sáng, tốc độ gió, lượng mưa, độ EC, pH… và điều khiển các thiết bị: hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam
https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so-nong-nghiep-day-manh-ung-dung-cong-nghe-giup-nong-dan-tiep-can-tri-thuc-moi/20220630055443792