Chứng khoán châu Á, giá dầu giảm sau khi OPEC+ đạt được thỏa thuận tăng cung
22:37 18/07/2021
Cổ phiếu ở châu Á-Thái Bình Dương giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Hai do giá dầu giảm sau khi OPEC và các đồng minh đạt được thỏa thuận tăng cung hôm Chủ nhật.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,41% trong phiên giao dịch sáng, trong khi chỉ số Topix giảm 1,44%. Kospi của Hàn Quốc giảm 0,96%, theo CNBC.
Chỉ số Hang Seng Hồng Kông giảm 1,61%. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giảm; chỉ số Thượng Hải Shanghai Composite giảm khoảng 0,6%, trong khi chỉ số Thâm Quyến Shenzhen Component giảm 0,216%.
Chứng khoán Úc giảm do S&P/ASX 200 giảm 1,22%. Chỉ số rộng nhất của MSCI phản ánh giá cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 1,21%.
Giá dầu giảm
Sáng thứ Hai, theo giờ giao dịch châu Á, giá dầu thô Brent giao sau giảm 1,22% xuống còn 72,69 USD/thùng. Dầu giao sau của Mỹ giảm 1,16% xuống 70,98 USD/thùng.
Cổ phiếu của các công ty dầu mỏ ở châu Á-Thái Bình Dương cũng giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Hai. Cổ phiếu của Santos (Australia) giảm 2,56%, Inpex (Nhật Bản) giảm 2,84%, trong khi Japan Petroleum Exploration giảm 3,19%. Cổ phiếu CNOOC (Hồng Kông) giảm 1,85%, CNBC đưa tin.
Hôm Chủ nhật, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng dầu/ngày mỗi tháng từ tháng 8. Động thái này diễn ra khi dầu Brent tăng hơn 40% so với đầu năm do nhu cầu dầu thô tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ đại dịch.
Tiền tệ
Chỉ số đô la Mỹ, theo dõi USD so với rổ các đồng tiền lớn khác, ở mức 92,70 sau khi tăng lên gần đây từ mức dưới 92,4. Đồng yên Nhật giao dịch ở mức 109,89/USD, mạnh hơn mức trên 110,4/USD tuần trước. Một đô la Úc tương đương 0,738 USD, thấp hơn mức trên 0,748 tuần trước.
Theo thỏa thuận đạt được hôm Chủ nhật, OPEC+ sẽ chấm dứt hoàn toàn việc cắt giảm sản lượng dầu 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 9 năm 2022 do giá mặt hàng này đã lên mức cao kỷ lục trong hơn hai năm.
OPEC thông báo trong một tuyên bố: “Sẽ có sự phối hợp để gia tăng nguồn cung từ OPEC+, bắt đầu vào tháng 8”. Sản lượng tổng thể sẽ tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ thời điểm đó trở đi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính mức thiếu hụt 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Con số cho thấy thị trường bị thắt mặc dù nguồn cung của OPEC đang dần tăng lên.
Mùa xuân năm 2020, OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô 10 triệu thùng/ngày, mức lịch sử, do khối này phải đối mặt với mức giảm rất mạnh của giá dầu do đại dịch. Liên minh dần dần giảm mức cắt giảm xuống còn khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.
Cuộc họp bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 19 ghi nhận nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới có “những dấu hiệu cải thiện rõ ràng và các kho dự trữ của OECD giảm do kinh tế tiếp tục phục hồi ở hầu hết các nơi trên thế giới” nhờ tiêm chủng phòng COVID-19 được đẩy mạnh.
Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 43% so với đầu năm và tăng hơn 60% so với thời điểm này năm ngoái. Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu giao dịch ở mức 80 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021. Brent đóng cửa ở mức 73,59 USD/hùng vào cuối ngày giao dịch hôm thứ Sáu, CNBC đưa tin.
Thỏa thuận này diễn ra sau một bế tắc tạm thời nhưng chưa từng có bắt đầu vào đầu tháng 7 và chứng kiến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ chối kế hoạch sản xuất dầu phối hợp của OPEC, do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Tổ chức gồm 13 thành viên này đã có những bất đồng trước đây, nhưng đây là lần rạn nứt công khai đầu tiên giữa UAE và Saudi Arabia - các đồng minh thân cận.