Gopro mời vài chục nhà sáng tạo nội dung đi trải nghiệm miễn phí, và cũng chẳng có yêu cầu gì về nội dung mà họ tạo ra hoặc đăng tải. Thế nhưng cuối cùng hiệu quả quảng cáo sản phẩm vẫn rất nổi bật.
Dự án của thương hiệu camera du lịch này bắt đầu được triển khai vào tháng 10 năm nay. GoPro mời 42 nhà sáng tạo nội dung đi một chuyến trải nghiệm dài 4 ngày, miễn phí hoàn toàn đến Interlaken, Thụy Sĩ, tham dự GoPro Creator Summit, hội nghị quy tụ các nhà sáng tạo của thương hiệu này. Tại đây, GoPro cho ra mắt sản phẩm mới của họ, GoPro Hero 11 Black.
Thay vì yêu cầu những nhà sáng tạo phải làm điều này điều kia, thì điều ngạc nhiên là: GoPro không giao bất kỳ nhiệm vụ nào. GoPro không yêu cầu nhà sáng tạo nội dung phải đăng bao nhiêu video. GoPro không yêu cầu tuân theo hình ảnh thương hiệu, không có quy trình phê duyệt.
Thế nhưng, đây lại là một cách làm việc thông minh giữa thương hiệu và người có tầm ảnh hưởng (influencer): Không đặt ra quy tắc!
Và thực ra chiến lược của họ rất đơn giản: Mang những nhà sáng tạo đến một địa điểm cực đẹp, tặng sản phẩm mới trước khi sản phẩm ra mắt công chúng, thể hiện sự hiếu khách, cung cấp một loại các hoạt động để người sáng tạo nội dung có thể lên ý tưởng và tạo dựng nội dung.
GoPro đạt được điều mình muốn ở đây, không phải vì dám chơi lớn bỏ tiền mời người khác đến Thụy Sĩ, hay vì tạo ra một sản phẩm hay ho. Chiến dịch của họ thành công vì tuân theo quy tắc cơ bản trong việc “sử dụng” influencer. Đó là: Chọn những người sáng tạo nội dung thực sự có dùng sản phẩm GoPro. Xây dựng trải nghiệm thực tế để quảng cáo sản phẩm. Không cản trở, cho phép người sáng tạo nội dung được làm chính họ.
Và kết quả….
Video đu dây trong hẻm núi của Johnny Lo đạt 12,7 triệu lượt xem với 917.000 lượt thích, trở thành một trong những video có hiệu suất cao nhất từ Hội Nghị. Và GoPro không cần Johnny để chữ ký thương hiệu trong bài đăng video. Thế nhưng chính vì nhà sáng tạo nội dung cảm thấy thoải mái với quá trình tạo ra sản phẩm, do đó họ cũng chẳng ngại ngần thêm hashtag thương hiệu ở cuối bài đăng. Thế là GoPro thành công quảng bá sản phẩm.
Đó là về chất lượng sản phẩm, còn về số lượng sản phẩm thì cũng không tồi chút nào.
Chẳng hạn Susi Vidal. Cô là một nhà sáng tạo nội dung về nấu ăn với 3,3 triệu người theo dõi trên TikTok. Trong chuyến trải nghiệm này, cô cho lên sóng đến 27 video TikTok, tạo ra khoảng 8 triệu view. Chưa kể một video nhảy dù của cô cũng đạt đến 2,1 triệu view.
Và vì sao Vidal có thể đăng số lượng video lớn như vậy chỉ trong 4 ngày? Là vì GoPro không có quy định về số lượng video!
Đó là tâm lý chung. Chẳng hạn nếu một thương hiệu đưa ra hợp đồng, yêu cầu nhà sáng tạo phải đăng một số lượng nhất định các video nào đó, thì họ sẽ có xu hướng làm đúng theo hợp đồng, tạo những video cho đúng với nguyện vọng của thương hiệu. Thế nhưng ở đây GoPro không có quy định gì cả, và Susi lại vui vẻ làm tới 27 video, vì cô thấy được 27 câu chuyện đó rất đáng giá để chia sẻ.
Điều thông minh ở đây của GoPro là cho các nhà sáng tạo nội dung sự trải nghiệm, chứ không phải các yêu cầu. Từ sự trải nghiệm đó, nhà sáng tạo nội dung vui vẻ và “tự nguyện” giới thiệu sản phẩm cho họ. Một ý tưởng rất sáng tạo và thông minh.