Thursday, 21/11/2024

Chỉ với 7 từ, CEO Apple đã mô tả được cuộc chiến với Facebook

13:34 08/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Mâu thuẫn giữa 2 ông lớn này không chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Đó còn là cuộc chiến liên quan đến quyền lựa chọn cơ bản nhất của người dùng.

Chiến tranh lạnh Apple - Facebook đến nay đã tốn nhiều giấy mực của cánh báo chí. Tuy nhiên, có thể chúng ta vẫn chưa nhìn rõ về những gì hai công ty đang thực sự đấu tranh.

Theo CEO Apple, cuộc chiến này không chỉ đơn giản là lợi nhuận, nó liên quan đến quyền lựa chọn. Ảnh: Business Insider.

Mọi thứ bắt đầu khi Apple ra mắt phiên bản iOS 14 với tính năng Ad Tracking Transparency (ATT) trên iPhone. Từ phiên bản này, Táo khuyết yêu cầu các nhà phát triển phải hỏi ý kiến người dùng trước khi theo dõi dữ liệu cá nhân của họ. Đồng nghĩa các công ty quảng cáo sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin.

Mâu thuẫn cũng từ đây mà dâng trào. Về cơ bản, Apple không đồng tình với mô hình kinh doanh quảng cáo mà Facebook và nhiều công ty khác đang sử dụng. Mặt khác, Facebook công khai chỉ trích Táo khuyết đang lạm quyền để chèn ép các doanh nghiệp, họ gọi đây là sự cạnh tranh không công bằng.

“Chúng tôi muốn cho người dùng lựa chọn việc họ có bị theo dõi hay không. Tôi đã bất ngờ khi có người lại phản đối chính sách này. Ý tôi là, họ định phản bác như thế nào. Họ làm quảng cáo kỹ thuật số không có nghĩa là họ được theo dõi người khác mà không xin phép", Tim Cook chia sẻ với nhà báo Kara Swisher.

Facebook đã chạy nhiều quảng cáo trên các tờ báo để chỉ trích Apple là mối đe dọa của ngành công nghiệp Internet. Ảnh: Getty.

Nói cách khác, Cook không lên án việc kiếm tiền từ quảng cáo kỹ thuật số. Ông cũng không cấm các doanh nghiệp không được theo dõi người dùng. Ông chỉ yêu cầu mọi thứ được minh bạch. Mấu chốt của vấn đề là CEO Apple muốn người dùng phải là bên được đưa ra quyết định.

Cook giải thích ngắn gọn bất đồng giữa Apple và Facebook bằng 7 từ đơn giản: "Người có quyền đưa ra quyết định".

Như vậy, bản chất của cuộc chiến Apple - Facebook chính là mâu thuẫn xem ai mới là người có quyền quyết định bạn bị theo dõi. Người có quyền xem thông tin cá nhân của bạn không phải Tim Cook hay Mark Zuckerberg, mà là chính bạn.

Theo INC, Apple xem đây là tôn chỉ quan trọng. Từ lâu, ông lớn này đã coi quyền riêng tư là một phần thương hiệu của mình. Không giống các công ty công nghệ khác, như Facebook và Google, Apple không kiếm tiền bằng việc theo dõi người dùng và hiển thị quảng cáo.

Bảo vệ quyền riêng tư đã là kim chỉ nam giúp Apple nhận được sự tín nhiệm của người dùng. Ảnh: CNBC.

Tuy nhiên, Cook khẳng định việc họ làm không đơn giản là bảo vệ lợi nhuận của công ty.

"Đây không phải câu chuyện thương hiệu. Thành thật thì chúng tôi xem quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người. Đó là một yếu tố cơ sở xây dựng nên những quyền khác. Đó là loại cốt lõi, là nền tảng. Mỗi cá nhân được quyết định sẽ làm gì với dữ liệu của mình, hay ai được xem nó. Hiện tại không được như thế. Điều đó khiến tôi kinh hoàng", Tim Cook nhìn nhận.

Đây không phải câu chuyện lợi nhuận. Chúng tôi xem quyền riêng tư là quyền cơ bản nhất của con người.

Tim Cook giải thích lập trường của mình

Nhìn chung, Apple không ngăn các nhà phát triển theo dõi khách hàng. Tính năng ATT được tạo ra để người dùng và những doanh nghiệp khai thác dữ liệu minh bạch với nhau. Nhà phát triển vẫn có thể thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, họ cần công khai sẽ làm gì với nó và trên hết là phải được người dùng chấp thuận.

Theo Zing News

Chia sẻ bài viết

Thong ke