Mỗi dịp vào đông, người dân ven biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) lại í ới gọi nhau đi cuốc sá sùng, kiếm về tiền triệu rủng rỉnh, nuôi cả gia đình.
Sá sùng còn có tên gọi khác là sâm đất, sâu đất, bông thùa. Sá sùng xuất hiện nhiều ở các bãi đất cát pha bùn, các bãi triều nơi con nước mặn lên xuống. Bởi thế, nghề cuốc sá sùng /sâm đất trở thành một nghề vô cùng "hot" ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
Sá sùng là một loại hải sản sống ven biển, đặc sản của Vân Đồn, Quảng Ninh, thuộc loại động vật thân mềm, có kích thước nhỏ và dài khoảng 5-10 cm, có con dài hơn thì khoảng 15 - 18cm, nó không có tim, gan, phổi mà chỉ toàn là cát. Loại hải sản này thường sinh sống ở các vách đá hoặc dưới đất khi nước thủy triều rút.
Ở huyện Vân Đồn có 3 bãi là nhiều sá sùng nhất là bãi sá sùng xã Minh Châu (447 ha), bãi sá sùng xã Quan Lạn (1342 ha), bãi sá sùng Chương Xá xã Đông Xá (khoảng 500 ha). Đây cũng là loại thực phẩm tự nhiên mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân bởi giá trị dinh dưỡng của loài "hải sản" này.
Nói về nghề đào sá sùng, những người bám trụ lâu năm với nghề này ở huyện Vân Đồn thừa nhận, nghề giúp họ nuôi sống cả gia đình, lo con cái học hành đến nơi đến chốn.