Cách nào giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm, an toàn?
15:42 27/11/2022
Nông dân sản xuất nhỏ lẻ chịu rủi ro lớn từ sâu bệnh, dịch hại và phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để có năng suất tốt, mẫu mã đẹp và ít quan tâm đến dư lượng hóa chất. Vì vậy, cần giúp nông dân sử dụng thuốc BVTV trách nhiệm, an toàn.
Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả hướng đến hệ thống thực phẩm bền vững" do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức CropLife châu Á (CLA) tổ chức ngày 25.11, tại Hà Nội.
Nông dân chưa nhận thức đúng về dư lượng
Giai đoạn 2019 - 2022, CLA trực tiếp hỗ trợ Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC) thuộc IPSARD và các đối tác quốc tế (Kynetec, ideas42) nghiên cứu đánh giá nhận thức của nông dân về vai trò của hóa chất nông nghiệp và hành vi sử dụng để có giải pháp cải thiện.
Cuộc nghiên cứu đánh giá của nông dân về vai trò của hóa chất nông nghiệp do RUDEC và Kynetec thực hiện năm 2019 phỏng vấn 520 nông dân trồng lúa, cà phê, chè, cao su, cây có múi, xoài, thanh long tại 7 vùng trồng và 36 chuyên gia (nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV).
Theo bà Aichen Kueh, Giám đốc điều hành Kynetec, qua nghiên cứu cho thấy, nông dân vẫn phụ thuộc và coi thuốc BVTV có đóng góp quan trọng cho đầu ra sản xuất nông nghiệp cả về sản lượng lẫn chất lượng. Nông dân trồng cây lương thực, cây ăn quả (lúa, xoài, thanh long, cây có múi) đánh giá cao đóng góp của thuốc BVTV hơn so với nông dân trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê).
Để nghiên cứu hành vi sử dụng thuốc BVTV, RUDEC phối hợp với Ideas42 - một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi đã khảo sát 180 hộ trồng lúa, chè, xoài, cam và phỏng vấn chuyên sâu với 50 cán bộ BVTV, khuyến nông, công ty, cửa hàng bán thuốc BVTV, người thu gom nông sản, công ty xuất khẩu.
Một trong những vấn đề được chỉ ra từ nghiên cứu là nông dân có rất ít hoặc chưa nhận thức đầy đủ về dư lượng cũng như cách thức quản lý dư lượng từ khâu canh tác. Nguyên nhân là do nông dân không trực tiếp nhận được phản hồi về mức dư lượng trên cây trồng từ người thu mua. Nông dân không có cách kiểm tra dư lượng mà chỉ quan tâm nhiều tới năng suất, sản lượng và mẫu mã sản phẩm sau thu hoạch. Nông dân tuân theo một số (không phải toàn bộ) các nguyên tắc sử dụng thuốc nhưng vẫn tin rằng đang sử dụng thuốc BVTV đúng cách…
Đừng nghĩ xấu về thuốc bảo vệ thực vật
Theo ông Bùi Văn Kịp, Cố vấn cao cấp Công ty Bayer Việt Nam, nhận thức của xã hội hiện nay về thuốc BVTV chưa đúng, cứ nhắc đến đều là “nghĩ xấu”. Nếu sử dụng đúng khuyến cáo, mọi hoạt chất đều có vai trò riêng, vấn đề làm sao để hướng dẫn sử dụng đúng, đảm bảo an toàn. “Phải khẳng định rằng, thuốc BVTV là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững và không thể tách rời quản lý thuốc BVTV với các biện pháp tổng hợp khác”, ông Kịp nói.
Ông Kịp cho rằng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chịu áp lực lớn về rủi ro nên phải làm mọi cách để có năng suất, có lợi nhuận. Ở các mô hình chuỗi hợp tác hiện nay, nông dân sản xuất nhỏ cũng phải tuân thủ quy định của chuỗi và dần dần từng bước có thể thay đổi hành vi sử dụng thuốc BVTV.
Theo Hoàng Vĩnh Long, Phó tổng thư ký Hiệp hội chè Việt Nam, để thay đổi hành vi nông dân sử dụng thuốc BVTV thì yếu tố chính là thu nhập. Dẫn chứng ở ngành chè, nông dân trồng xuất khẩu phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ về sử dụng thuốc BVTV nhưng giá bán không cao hơn so với người trồng chè bán trong nước không chịu sự ràng buộc.
“Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hướng dẫn nông dân giúp họ thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm cao, thu nhập phải cao hơn chính là động lực để thay đổi hành vi”, ông Long nói.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV, nhấn mạnh không thể chối bỏ vai trò của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực nhưng nếu không sử dụng đúng cách, lạm dụng nó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Mọi giải pháp mà Cục BVTV, các địa phương, doanh nghiệp... đều hướng đến loại bỏ hoạt chất độc hại, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
“Cục BVTV tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học… để có giải pháp tổng thể trong phát huy vai trò của thuốc BVTV cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ, tác hại của nó để nâng cao giá trị nông sản, hướng tới phát triển bền vững”, ông Đạt nói.