Sunday, 24/11/2024

Các vấn đề cốt lõi khi sửa Luật Đất đai

17:59 29/06/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nhiều cử tri quan tâm đến việc Quốc hội đã và đang thúc giục Chính phủ khẩn trương sửa Luật Đất đai vì đó là yêu cầu rất bức thiết của cuộc sống. Không chỉ nhiều người dân bức xúc, kiện tụng, mà nhiều cán bộ cũng đã bị kỷ luật, thậm chí vào vòng lao lý do hiểu và vận dụng làm sai về quyền sử dụng đất đai.

Sửa đổi Luật Đất đai vì đó là yêu cầu rất bức thiết của cuộc sống

Trung ương cần trang bị tư duy phát triển cho các cấp lãnh đạo thì mới huy động được mọi nguồn lực của xã hội cho bài toán phát triển bền vững. Sửa Luật Đất đai trong bối cảnh Hiến pháp vẫn coi đất đai là sở hữu toàn dân thì sửa như thế nào để thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống là bài toán thách đố lớn những người trong cuộc từ Đảng (định hướng), Chính phủ (soạn luật) đến Quốc hội (phê duyệt luật đất đai).

Luật Đất đai chưa được sửa đổi sẽ vẫn là nguyên nhân gây bất cập, vướng mắc, khó khăn. Nếu không sửa Luật Đất đai dựa trên cơ sở khoa học, hợp lòng dân thì sự căng thẳng xã hội sẽ còn tăng cao hơn nhiều. Vậy nên hãy đừng để Luật Đất đai sửa đổi trở thành con dao hai lưỡi.

Muốn gỡ vướng chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế như sửa Luật Đất đai, riêng Bộ Tài nguyên& Môi trường không đủ lực mà phải có sự phối hợp đa ngành, thay đổi nhận thức từ Trung ương vì còn liên quan đến cả Hiến pháp, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nhiều quy định về pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch khác cũng cần được rà soát điều chỉnh, sửa đổi. Phải sửa Luật Đất đai trên cơ sở quy hoạch và quy trách nhiệm xử lý cụ thể cho những người có trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiệm nếu cán bộ cố ý làm sai dù đã nghỉ hưu.

Phải sửa Luật Đất đai dựa trên cơ sở khoa học, hợp lòng dân

Nhiều cử tri, xuất phát từ thực tiễn, có chung nhận thức về quan điểm khi sửa Luật Đất đai như sau:

Thứ nhất, cần sớm công nhận tính đa sở hữu đối với đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trong đó, sở hữu tư nhân vừa là nguồn lực quan trọng nhất, năng động nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Riêng đất ở đã cấp và thu tiền sử dụng đất nên chuyển sang sở hữu tư nhân và ghi rõ trong sổ đỏ để người dân được thực hiện các quyền của chủ sở hữu chứ không phải chỉ được quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế lại vẫn thực hiện đủ các quyền chủ sở hữu kể cả chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp.

Thứ hai, cần tôn trọng nguyên tắc mọi công dân, tổ chức (doanh nghiệp) đều bình đẳng trước pháp luật. Nội dung Luật Đất đai sửa đổi phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, tạo khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, việc xác định giá đất khi giải toả, đền bù cần quy định lại và làm rõ: Nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm. Nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án, kể cả xây dựng các cơ sở sự nghiệp tư và trụ sở cơ quan nhà nước thì ngoài việc phải phù hợp quy hoạch và cấp phép của cấp có thẩm quyền, phải bồi thường theo giá thị trường và thoả thuận với dân. Việc đền bù do chủ đầu tư trực tiếp làm, tuyệt đối chính quyền không được làm rồi giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay gây ra bao hệ luỵ tai hại.

Hay nói rõ hơn, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay có không ít trường hợp bị lạm dụng. Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng (không phải kinh doanh của công ty quân đội) và phúc lợi công cộng (đường, kênh, cầu cống, công viên…). Bỏ giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường.

Công tác thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất

Thứ tư, cần xử lý cứng rắn và kiên quyết với mọi trường hợp lấn chiếm đất công, kể cả ở vùng sâu vùng xa, rồi hợp thức hoá thành đất tư nhân. Luật Đất đai 2003 đã cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp bất hợp pháp trước 1993 mà không có tranh chấp, khiếu nại, như vậy nhà nước đã chấp nhận hợp thức hoá cho tất cả các trường hợp chiếm đất bất hợp pháp trong quá khứ, không lý gì lại tiếp tục việc đó nhiều lần sau nữa.

Thứ năm, giao đất cho hộ là theo Nghị quyết X của Bộ Chính trị. Xác định hộ là đơn vị kinh tế để giao đất tập thể quản lý (hợp tác xã) về cho hộ thành viên mà không làm ảnh hưởng đến quan điểm XHCN về công hữu. Nay các giao dịch phát sinh rất nhiều, nhưng hộ không được xác định rõ bằng luật pháp. Hiện nay, ngành quản lý đất đai có cho chuyển giấy quyền sử dụng đất giao cho hộ thành cá nhân nếu được các thành viên trong sổ hộ khẩu đồng ý. Tốt nhất, luật nên đổi thành giao đất cho cá nhân, tài sản trị giá trên mức nào đó thì cả vợ chồng đồng đứng tên giống như các tài sản khác (nhà, xe…).

Thứ sáu, người dân và doanh nghiệp có toàn quyền định đoạt trong các giao dịch dân sự về ruộng đất thuộc quyền sở hữu của mình. Những xung đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, trên quy mô lớn, chủ yếu là do không thừa nhận chế độ đa sở hữu ruộng đất, trong đó có quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Trước mắt, điều có thể làm ngay để khắc phục một phần những xung đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất, là xóa bỏ quy định của Luật Đất đai hiện hành cho phép các cấp chính quyền thu hồi và đền bù giá trị quyền sử dụng đất của người dân theo khung giá do chính quyền cấp tỉnh, thành phố quy định theo thời kì 5 năm/1 lần. Thay vào đó là sự thừa nhận quyền sử dụng đất hiện hành của công dân và doanh nghiệp là quyền tài sản, là hàng hóa được trao đổi theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán, như tất cả các tài sản khác.

Thứ bảy, nếu nghiên cứu sâu về Luật Đất đai, theo tôi nghĩ, không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “thu hồi đất”. Phải bỏ ngay điều 62 của Luật Đất đai hiện hành. Không cần quy định quyền sử dụng đất nếu thừa nhận quyền sở hữu đất của người dân. Nếu không dùng khái niệm quyền sở hữu thì nội dung quan hệ giao dịch phải được tự do như có quyền sở hữu. Nạn tham nhũng cũng từ cái quyền rất thiêng liêng nhưng rất mơ hồ hiện nay.

Cuối cùng, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, khó nhất là cơ sở dữ liệu số hoá về đất đai đến nay hầu như chưa địa phương nào làm được. Vì vậy cần ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu này và công khai cùng quy hoạch đất. Điều này vừa giúp bảo vệ quyền lợi của người dân vừa hỗ trợ tốt cho dịch vụ hành chính công về đất đai.

Ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Luật Đất đai, hay nói cụ thể hơn là quan điểm về sở hữu trong Luật Đất đai, đang là điểm nghẽn trong phát triển, thậm chí là hiểm họa đối với trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị. Sửa Luật Đất đai là vấn đề phức tạp, chắc chắn đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân và nguồn thu ngân sách, nhưng sửa Luật là yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Các cơ quan nhà nước cần ưu tiên thực hiện ngay trong nhiệm kỳ của Quốc hội khoá 15.

Vấn đề liên quan đến chuyển nhượng, góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp mới được đưa vào điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020. Đây chỉ là phần nhỏ trong nội dung cần sửa của Luật Đất đai. Tất cả các Bộ/ngành liên quan phải rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Đất đai ngay trong năm 2021 để làm cơ sở cho việc sửa các nội dung của Luật, để Luật thực sự hữu ích cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường./.

Theo Kiến trúc Việt Nam

https://kientrucvietnam.org.vn/cac-van-de-cot-loi-khi-sua-luat-dat-dai/

Chia sẻ bài viết

Thong ke