Cả người dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông khát vốn tín dụng
18:04 06/11/2022
Đắk Nông - Vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng vốn vay tăng cao nhưng công tác giải ngân từ các tổ chức tín dụng thì vừa chậm, lại vừa ít khiến cho rất nhiều người dân, doanh nghiệp rơi vào cảnh... "khát vốn".
Ngóng ngân hàng
Thời gian càng về cuối năm càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cần vay vốn để giải quyết công việc.
Thế nhưng, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng giai đoạn này đang gặp nhiều khó khăn.
Theo chị V., giám đốc một công ty xây dựng tại phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, đơn vị có mối liên kết làm ăn lâu năm với một ngân hàng thương mại ở trên địa bàn.
Những năm trước đây, công ty luôn được ngân hàng hỗ trợ tối đa, luôn giải ngân nguồn vốn kịp thời mỗi khi doanh nghiệp cần để sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, ở thời điểm này, mọi chuyện đã khác. Dù hạn mức tín dụng đối với công ty vẫn còn và tài sản đã được thế chấp thế nhưng, việc giải ngân, lấy được tiền về giải quyết công việc là khá khó khăn.
“Cuối năm nên công ty “khát” số tiền lớn để trang trải công việc. Việc giải ngân năm nay rất chậm và nhỏ giọt khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh”, chị V. cho hay.
Tương tự, gần 1 tháng nay, gia đình anh P.V.T, ở Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa "dài cổ" chờ ngân hàng giải ngân nhưng chưa được.
Theo anh T., cách đây hơn 1 tháng, anh có làm hợp đồng thế chấp sổ đỏ để vay vốn ở một ngân hàng thương mại nằm trên địa bàn với số tiền 1 tỉ đồng. Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng phía ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân.
Mở room theo lộ trình hấp thụ của nền kinh tế
Theo ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông, vào dịp cuối năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, hiện nay, lãi suất ngân hàng đã tăng cao hơn so với trước đây trung bình khoảng 2%.
Nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao, nhưng nguồn cung thì chưa đáp ứng được kỳ vọng này. Thậm chí có nhiều ngân hàng đã thông báo hết room (hạn mức tín dụng) từ nhiều tháng nay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng định giá cho vay thấp hơn các ngân hàng thương mại ở các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương...
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất chỉ được vay thế chấp bằng tài sản cố định, còn hàng hóa không được định giá cho vay nên cũng hạn chế về nguồn vốn để phát triển.
"Việc tiếp cận nguồn vay ngân hàng khó khăn trong lúc chi phí đầu vào tăng cao đang gây trở ngại cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi. Vì vậy, đơn vị mong muốn ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân có nguồn vốn phát triển" - ông Chính cho biết.
Liên quan đến sự việc này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Ðắk Nông cho hay, cách đây mấy tháng có giai đoạn ngân hàng phải đóng room tín dụng vì hết chỉ tiêu. Hiện nay, room tín dụng mặc dù đã mở nhưng chỉ mới một phần.
Trước đây, các đơn vị ngân hàng được giao room tín dụng trong cả năm và tự kinh doanh trong số đó. Còn bây giờ thì ngân hàng sẽ mở room theo lộ trình hấp thụ của nền kinh tế. Mặt khác, việc giải ngân của các ngân hàng thương mại cũng phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng tính dụng hàng năm.