Monday, 09/09/2024

Bộ Tài nguyên Môi trường công bố thêm 43 đơn vị tái chế bao bì, sản phẩm điện tử

17:09 20/08/2024

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong số 43 đơn vị tái chế bao bì, sản phẩm điện tử có 28 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì; 5 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 6 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 20/8, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này đã công bố danh sách 43 đơn vị có đủ năng lực thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì (đợt 2), để các nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế; góp phần bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Trong số các đơn vị trên, có 28 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì; 5 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 1 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 3 đơn vị tái chế săm, lốp; 6 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử.

Các đơn vị tái chế bao bì được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập gồm: Công ty cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ (tỉnh Thái Nguyên), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Giấy Thuận An (tỉnh Bình Phước); Công ty cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư (Ninh Bình); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Hiếu Sài Gòn (Bình Dương); Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Nhất Hoàng Gia (Vĩnh Phúc); Công ty Cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty cổ phần Q.M.T - JP Plastic (Đồng Nai)…

Các đơn vị tái chế ắc quy, pin gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dung Ngọc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát (tại tỉnh Bắc Ninh), Công ty Cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và công nghiệp Bắc Sơn (thành phố Hà Nội), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 - URENCO11 (tỉnh Hưng Yên).

Các đơn vị tái chế săm, lốp gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Giải Pháp Xanh Bình Phước (tỉnh Bình Phước); Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam (Thừa Thiên - Huế), Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (Đà Nẵng).

Các đơn vị tái chế sản phẩm điện, điện tử gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dung Ngọc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Quý Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát (Bắc Ninh); Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Bình Dương), Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và công nghiệp Bắc Sơn (Hà Nội), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 - URENCO11 (Hưng Yên).

Đơn vị tái chế dầu nhớt duy nhất là Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát. Địa điểm cơ sở trực tiếp tái chế tại thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, trong tháng 2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 24 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế nhiều loại sản phẩm, bao bì (đợt 1). Như vậy, cùng với các đơn vị vừa được công bố đợt 2, cả nước hiện có 67 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì.

Trong đợt công bố này, có 5 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tuy vậy, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý nhà sản xuất, nhập khẩu khi lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế các loại sản phẩm, bao bì cần phải xem xét thực tế, đánh giá năng lực, công nghệ, công suất của đơn vị tái chế để bảo đảm đáp ứng tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc và việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của đơn vị tái chế.

Nhà sản xuất, nhập khẩu không ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm mục đích cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết, tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố nhưng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.

Trường hợp đã được công bố nhưng không còn đáp ứng các yêu cầu theo quy định hoặc có thay đổi thông tin đã được công bố, nhà sản xuất, nhập khẩu cần phải báo cáo ngay bằng văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Pháp chế) để xem xét, cập nhật, bổ sung./.

Theo Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/bo-tai-nguyen-moi-truong-cong-bo-them-43-don-vi-tai-che-bao-bi-san-pham-dien-tu-post971505.vnp

Chia sẻ bài viết

Thong ke