Saturday, 23/11/2024

Bỏ quan niệm phân biệt môn chính - môn phụ trong giáo dục

15:50 20/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Không biết tự bao giờ, quan niệm môn chính - môn phụ đã “ăn sâu” vào tâm thức của nhiều người. Vậy ngành giáo dục có quy định môn nào là môn chính, môn phụ không? Vì sao lại xuất hiện quan niệm môn chính - môn phụ trong tư duy của không ít người, dẫn đến hiện tượng học lệch, học tủ, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

Học sinh dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Phân biệt môn chính - môn phụ là quan niệm cố hữu của học sinh, phụ huynh

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố kế hoạch cũng như các môn thi trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022. Ngay sau đó, phụ huynh đã nháo nhào đi tìm lớp ôn thi cho con theo các môn thi vừa được công bố.

“Lò luyện thi” vì thế cũng được dịp bùng phát để đáp ứng nhu cầu. Trong quá trình ghi nhận ý kiến của phụ huynh và học sinh, chúng tôi đã không ít lần nghe thấy các cụm từ: “Môn chính, môn phụ”. Những môn mà học sinh, phụ huynh coi là môn chính thì sẽ được chú trọng, đầu tư hơn về thời gian và tiền bạc và ngược lại, môn bị coi là phụ thì học sinh lơ là, học qua loa.

Lê Ngọc Hân (học sinh lớp 9, trường THCS Ngọc Thụy, Hà Nội) cho biết, trên thực tế việc phân chia môn chính, môn phụ có xảy ra. Đặc biệt, vị trí môn Lịch sử nói chung và các môn học ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh nói riêng đều không được học sinh và phụ huynh coi trọng. Bởi nhiều người coi đó là môn không đi thi, học cho biết và để đối phó với các bài kiểm tra ở lớp, ở trường.

“Từ suy nghĩ phân chia môn chính, môn phụ cũng gây ra tình trạng nhiều bạn học lệch, coi thường và đối phó, thậm chí là bỏ qua một số môn học. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ và các bạn nảy sinh tâm lý lo lắng, tìm đến lò luyện thi khi có thông tin Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội” - Ngọc Hân chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, cô Lý Thị Ninh - Giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa cho rằng, phân biệt môn chính, môn phụ là quan niệm cố hữu của phụ huynh và học sinh, nhiều môn học vẫn chưa được đặt phù hợp với vị trí, chức năng và vai trò của nó.

"Giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chọn thi học sinh giỏi những môn được xem là môn phụ. Vì nhiều em quan niệm rằng, thi các môn giáo dục công dân, Sử, Địa không có nhiều ý nghĩa, phụ huynh cũng không đồng tình vì muốn con em chăm chú vào các tổ hợp khối A, B, D. Vì vậy, nhiều môn học dường như bị bỏ quên ở cấp THPT" - cô Lý Ninh cho biết.

Không có văn bản nào quy định môn chính - môn phụ

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định của Bộ GDĐT, các môn học văn hóa trong nhà trường phổ thông được phân phối với số lượng tiết ít nhiều khác nhau song đều có vị trí, vai trò gần như ngang bằng. Bởi các môn cùng góp phần định hướng, cung cấp tri thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết cho học sinh phổ thông. Không có quy định môn chính - môn phụ.

Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khẳng định, đến nay trong ngành giáo dục không có văn bản nào quy định hay phân biệt môn chính, môn phụ.

Trong các nhà trường cũng không phân biệt môn nào là môn chính, môn học nào chỉ là phụ. Chỉ những môn phục vụ kỳ thi vào lớp 10 như Toán, Văn, Anh thì được nhà trường quan tâm hơn. Phụ huynh cũng có quan niệm cho con đi học thêm những môn này để phục vụ cho kỳ thi và tự ngầm hiểu với nhau đây là môn chính.

“Hiện nay quan niệm của phụ huynh cũng thay đổi khá nhiều. Các cha mẹ đã quan tâm đến giáo dục thể chất, nghệ thuật nhưng vẫn có tâm lý chú trọng các môn đi thi như Toán, Văn, Anh” - cô Lý cho biết.

Vậy vì sao lại có tâm lý coi một số môn là môn chính, các môn khác chỉ là môn phụ? Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, có thể xuất phát từ việc chọn các môn thi trong kỳ thi chuyển cấp hiện nay. Ví dụ nhiều trường chọn đánh giá năng lực học sinh với môn Toán, Văn, Anh khi chọn học sinh vào lớp 6. Nhiều địa phương chọn thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10. Học sinh và phụ huynh vẫn giữ tâm lý "học để thi", "thi gì học nấy" nên tự hiểu những môn này là môn chính.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT một địa phương, việc chọn 3 môn này vì lâu nay, Văn và Toán là hai môn được coi là nền tảng cho những môn học khác. Trong các kỳ thi, điểm của môn Toán, Văn thường được nhân 2. Còn môn Ngoại ngữ gần đây được các địa phương chú trọng, vì là chìa khóa để hội nhập. Hiện nhiều địa phương đã bỏ quy định nhân hệ số 2 với các môn Văn, Toán, để môn học này bình đẳng với các môn học khác trong trường phổ thông.

Chương trình GDPT mới thay đổi quan niệm môn chính - môn phụ

Là giáo viên dạy Mỹ thuật, thầy Lê Công Quý (Trường THCS Đông Văn, Thanh Hóa) cho biết, bản thân thầy cũng rất buồn khi phụ huynh, học sinh có tâm lý phân biệt môn chính - môn phụ. Học sinh thường chú trọng học các môn để phục vụ cho kỳ thi nhiều hơn, các môn khác thì học mang tính chất đối phó.

Theo thầy Quý, chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GDĐT ban hành, bắt đầu triển khai từ năm học này với lớp 1 sẽ từng bước thay đổi suy nghĩ, quan niệm của giáo viên, phụ huynh và học sinh về “môn phụ - môn chính”. Thầy Quý ví dụ, trước đây, những môn Toán, Văn, Anh được coi trọng nhưng hiện tại tất cả các môn đều ngang hàng nhau, không phân biệt. “Trong tất cả môn học, học sinh phải hoàn thành hết tất cả các môn mới đạt danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến” - thầy Quý nói.

Đặc biệt, ở THPT, thời lượng học mỗi môn học Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật tương đương thời lượng học các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học... Cũng theo chương trình GDPT mới, ở cấp THPT, học sinh sẽ được tự chọn học các môn theo sở thích, năng lực của mình như: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); hoặc nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); hoặc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Khi đó, giáo viên tất cả các môn sẽ phải đổi mới phương pháp dạy học để môn học của mình hứng thú, lôi kéo học sinh. Việc này cũng từng bước thay đổi quan niệm môn chính - môn phụ trong tư duy của học sinh, phụ huynh.

Đồng tình với quan điểm của thầy Quý, cô Lý Ninh cho rằng, bản thân các thầy cô đã và đang nỗ lực đẩy mạnh đổi mới các phương thức giảng dạy, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và giúp học sinh liên hệ thực tế nhiều hơn. Từ đó, tạo hứng thú học tập cho học sinh và "nâng tầm" những môn học bị coi là môn phụ.

Theo Lao động

Chia sẻ bài viết

Thong ke