Thursday, 21/11/2024

Bình Phước: Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể

15:04 24/09/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước, địa phương phấn đấu đến năm 2025, sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 50 tổ hợp tác, 85 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã với 4 hợp tác xã thành viên…

Thăm mô hình sản xuất sầu riêng ở Bình Phước. (Ảnh: binhphuoc.gov)

Cùng với đó, toàn tỉnh cũng có trên 18 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; có khoảng 25% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Đến năm 2030, phấn đấu hỗ trợ phát triển khoảng 50 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã. Toàn tỉnh có trên 35 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bình Phước cũng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các hợp tác xã; chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0; từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua; xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ, tổ hợp tác… giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thành viên hợp tác xã…

Được biết từ năm 2015 đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Phước đã thành lập mới 160 hợp tác xã, tăng 83% so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, tổng số hợp tác xã của tỉnh là trên 200. Các hợp tác xã đang hoạt động với trên 10 nghìn thành viên, số lao động làm việc là trên 6000 người, tổng vốn điều lệ là hơn 900 tỷ đồng. Các hợp tác xã của tỉnh Bình Phước đã giúp tạo việc làm cho các lao động có tay nghề thấp, lao động lớn tuổi; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trên cơ sở tình hình hoạt động của các hợp tác xã, cùng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, với những khát vọng bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn phát triển mới, Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã xác định quyết tâm đến năm 2025 thành lập mới 6000 doanh nghiệp và 150 hợp tác xã.

Đại hội chỉ rõ cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị. Khuyến khích hỗ trợ các mô hình hợp tác trong sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả quỹ khởi nghiệp; mời gọi các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đến đầu tư tại tỉnh… Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các hội, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Có thể thấy, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian qua có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho thành viên và người lao động tại địa phương cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển về an ninh - chính trị và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước cũng đã hỗ trợ tích cực các hợp tác xã từng bước hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các họp tác xã đã có bước chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế hộ, tạo động lực mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội, giữ vững chính trị…, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã, các thành viên tự nguyện thành lập và có quyền bình đẳng, dân chủ trong quản lý hợp tác xã, có quyền biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp được hưởng chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã và sự đóng góp công sức của mình đem lại rất nhiều lợi ích cho thành viên và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Mô hình hợp tác xã trong phát triển kinh tế hiện nay đã đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho thành viên nhất là những người lao động. Vị trí hợp tác xã ngày càng rõ nét đã khẳng định được thế mạnh của mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã với vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu đời sống của thành viên theo các nguyên tắc đã khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã không ngừng được củng cố và phát triển.

Ngoài các dịch vụ truyền thống như: Làm đất, giống, vật tư nông nghiệp, tín dụng, vận tải, chăn nuôi... các hợp tác xã đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ mới như: thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, kinh doanh chợ nông thôn, gia công chế biến nông sản... Đặc biệt, các hợp tác xã đã giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp, hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: hồ tiêu, hạt điều, bơ sáp mã dưỡng…

Với định hướng và hỗ trợ của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế và Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh không chỉ gói gọn vào một số ngành nghề mà đã trải rộng ra nhiều lĩnh vực: Thương mại, vận tải, vệ sinh môi trường, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tài chính - tín dụng,… thể hiện tư duy đổi mới và sự năng động của kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay. Với sự đổi mới về phương thức hoạt động, các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế địa bàn nông thôn. Qua hoạt động, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang từng bước phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho thành viên, giúp các thành viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức hợp tác xã là nòng cốt; khuyến khích phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các HTX ở các xã theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020- 2025./.

Theo ĐCSVN

https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-phuoc-tiep-tuc-cung-co-phat-trien-kinh-te-tap-the-591571.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke