Bình Dương: Điều tra nguồn gốc pate chay gây ngộ độc khiến 1 người tử vong
15:31 30/03/2021
Sở Y tế Bình Dương gửi công văn hỏa tốc đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng các đơn vị y tế khẩn trương điều tra, xử lý, tìm nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một) khiến 6 người bị ngộ độc .
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn trưa ngày 20/3 tại miếu Chiêu Liêu gây ngộ độc. Đặc biệt, Sở Y tế lưu ý các món chả và những thực phẩm có bao gói, đóng hộp, hút chân không.
Tập trung điều tra xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình liên quan đến các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đã sử dụng.
Bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân lưu ý không sử dụng các sản phẩm đóng hộp, hút chân không đã bị phồng, dẹp, biến dạng, các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm clostridium botulinum.
Được biết, nơi xảy ra ngộ độc là miếu Chiêu Liêu nằm trong khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nơi này thường xuyên có người dân, phật tử đến cúng viếng và nấu ăn chay vào các ngày đầu, giữa tháng âm lịch. Bữa ăn trưa 20/3 có khoảng hơn 20 người ăn, 6 người bị ngộ độc đều là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu.
Trước đó, ngày 25/3/2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương tiếp nhận Công văn số 553/BQLATTP-QL-NĐ của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh về 2 trường hợp nghị nhiễm độc do ăn pate chay (nghi nhiễm botulinum toxin) đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2, 1 trường hợp tử vong (điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẩy).
Đây là độc tố của vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị các đơn vị cần:
Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai kiểm tra, giám sát trên thị trường và chủ động thu hồi các sản phẩm thực phẩm chay không đảm bảo an toàm thực phẩm.
Thông tin cảnh báo khẩn cấp trên các phương tiên truyền thông cho người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chay nghi ngờ không đảm bảo an toàn và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu phát hiện thực phẩm chay nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm; nếu người đã sử dụng thực phẩm chay có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Đề nghị các đơn vị nhanh chóng tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để tổng hợp và báo cáo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.