Sunday, 24/11/2024

Bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm dính đến đất công, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm ăn thế nào?

19:35 16/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư.

Bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm dính đến đất công, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm ăn thế nào?

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận số 1068/TB-TTCP thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đôi với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. HCM.

Theo đó, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư.

Từ những tồn tại, sai phạm kể trên, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, rà soát để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản của nhà nước đối với dự án nêu trên, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.

Song song với đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tài liệu của VietnamFinance, tại kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho biết vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt nên đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật.

Kết luận thanh tra về những sai phạm tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM

Theo kết luận thanh tra, dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có tổng diện tích đất 1.954m2. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước.

Cụ thể, khu đất này trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ sản xuất thương mại, thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn.

Ngày 30/7/1994, UBND TP. HCM có quyết định chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty dịch vụ và thương mại thành phố.

Ngày 24/12/1999, UBND TP. HCM ban hành văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM (Công ty DVTMSG) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty DVTMSG chuyển nhượng phần góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân trị giá 587.332 USD cho Công ty Vạn Thịnh Phát.

Đến 2006, UBND TP.HCM có quyết định số 480/QĐ-UBND, chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại địa chỉ trên, với diện tích là 1.985m2, mục đích cho thuê để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện xác định UBND TP. HCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp 1.191 triệu đồng.

TP. HCM áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất số tiền là 179,3 triệu đồng.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê.

“Vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước thi chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Tình hình kinh doanh Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2016-2019 thế nào?

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia và đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát có địa chỉ tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM. Công ty được thành lập vào ngày 19/6/1992. Người đại diện theo pháp luật là Trương Huệ Vân. Ngành nghề kinh doanh chính: kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Chủ sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 5 cổ đông, gồm: bà Trương Mỹ Lan (80% cổ phần), Lâm Thị Hoà (5% cổ phần), Ngô Thanh Nhã (5% cổ phần), Trương Mễ (5% cổ phần) và Trương Chí Trung (5% cổ phần).

Thông tin đăng ký về Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tình hình kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2016 -2019 không có nhiều khởi sắc.

Năm 2016, công ty có doanh thu thuần là 15,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9,2 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần của công ty tăng nhẹ lên 16,9 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 8,2 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 2018 – 2019, mặc dù doanh thu thuần giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2018 công ty có doanh thu thuần 16,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 9,6 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu thuần là 16 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 24,6 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, giai đoạn 2016 – 2018, vốn chủ sở hữu của công ty không có nhiều biến động lớn, dao động quanh mức hơn 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản nhích nhẹ từ 12.040 tỷ đồng (năm 2017) lên 12.324 tỷ đồng (năm 2018).

Giai đoạn 2018-2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đồng loạt tăng. Cụ thể, tổng tài sản của công ty năm 2019 là 15.464 tỷ đồng (tăng 3.140 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên 15.088 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2018.

Nợ phải trả của công ty trong năm 2016 là 4.008 tỷ đồng, năm 2017 giảm xuống 3.982 tỷ đồng, đến năm 2018 lại tăng lên 4.256 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019 nợ phải trả bất ngờ giảm mạnh chỉ còn 376 tỷ đồng, giảm tới 91%.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có công ty con là Công ty Cổ phần quản lý và phát triển đô thị vệ tinh LeJadin Nam Sài Gòn. Tổng giám đốc là Nguyễn Vũ Anh Thi.

Công ty này có địa chỉ tại khu phố 1, Trần Chí Nam, thị trấn Cần Giuộc, Long An. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoạc đi thuê.

Các cổ đông gồm có: Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (80%), Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sunny World (10%) và Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (10%).

Doanh nhân Trương Mỹ Lan

Giai đoan 2016 - 2019, Công ty Cổ phần quản lý và phát triển đô thị vệ tinh LeJadin Nam Sài Gòn có tình hình khinh doanh không ổn định.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần là 5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần tăng lên 9,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng nhích lên 3,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến 2018-2019, cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đồng loạt giảm. Cụ thể, năm 2018 doanh thu thuần giảm xuống 6,9 tỷ đồng, năm 2019 chỉ còn 1,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm còn 3,2 tỷ đồng, năm 2019 thậm chí lỗ 4,8 tỷ đồng.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lớn lên như thế nào?

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) - tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát được thành lập năm 1991 do chủ tịch tập đoàn Trương Mỹ Lan sáng lập.

Vào năm 1992, công ty đã chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.

Năm 2007, VTP Group mở rộng kinh doanh thông qua việc tham gia thành lập 2 tập đoàn có quy mô lớn là Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và Tập đoàn đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

Tập đoàn có các công ty liên kết như Công ty Cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam, Tập đoàn Saigon Peninsula…

Hiện Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - khu vực được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước như: Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton...

Ngoài các dự án nằm trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông, khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence….

 

Theo Đầu tư Tài chính

https://vietnamfinance.vn/bi-thanh-tra-chinh-phu-chi-ra-sai-pham-dinh-den-dat-cong-tap-doan-van-thinh-phat-lam-an-the-nao-20180504224255885.htm

 

Chia sẻ bài viết

Thong ke