Xin chào Ông Lê Đình Quảng!
PV: Thưa Ông, từ thực tiễn hoạt động, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tranh chấp về kỷ luật sa thải do tiết lộ bí mật kinh doanh trên thị trường lao động hiện nay?
Ông Lê Đình Quảng: Trong các tranh chấp về kỷ luật sa thải, các vụ tranh chấp về sa thải do tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ chiếm tỉ trọng khá lớn, và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt các vụ tranh chấp về sa thải do tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thường là những vụ việc phức tạp, khó xử lý, tạo ra nhiều luồng quan điểm, nhận định khác nhau trong cùng một sự việc.
PV: Theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định pháp luật về hình thức xử lý kỷ luật sa thải lao động, trong đó có xử lý kỷ luật sa thải do tiết lộ bí mật kinh doanh. Ông nghĩ sao về nhận định này, thưa Ông? Đề xuất, kiến nghị (nếu có)
Ông Lê Đình Quảng: Theo quy định của BLLĐ 2019, người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản. Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Trong các nội dung chủ yếu của nội quy lao động, NSDLĐ phải xác định rõ quy định về việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động, bắt buộc nội quy của doanh nghiệp phải quy định cụ thể hành vi liên quan đến vi phạm bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, danh mục tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao của người lao động…
Trong lúc đó khái niệm “bí mật kinh doanh”, “bí mật công nghệ” còn chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể trong pháp luật lao động; việc xác định danh mục tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh chủ yếu do doanh nghiệp tự xác định và mỗi doanh nghiệp có một cách tiếp cận khác nhau. Những bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không có quy định cụ thể về hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến bí mật kinh doanh trong nội quy lao động. Hoặc là quy định nhưng chưa phù hợp với pháp luật và thực tiễn, gây bất lợi cho người lao động khi triển khai thực hiện.
PV: Có thể thấy, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không loại trừ sự thiếu hiểu biết, chủ quan của người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vậy, đâu là lưu ý cho người lao động để tránh những tranh chấp không đáng có liên quan đến vấn đề này, thưa Ông?
Ông Lê Đình Quảng: Theo dõi các vụ việc người lao động bị sa thải liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ gần đây, chúng tôi thấy không ít trường hợp mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người lao động, không nhận biết được hành vi của mình là hành vi vi phạm về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tránh những tranh chấp, rủi ro không đáng có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ người lao động cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thương thảo, thỏa thuận kỹ lưỡng, cụ thể, chi tiết và thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng lao động, trong đó có cả các nội dung liên quan đến bảo vệ tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ;
- Nắm bắt nội quy lao động và các quy chế, quy định nội bộ của doanh nghiệp, thực hiện nghiêm minh các quy định của doanh nghiệp.
- Đối với các quy định của doanh nghiệp về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ mà chưa rõ ràng, thậm chí có những quy định mà người lao động cho rằng chưa phù hợp với pháp luật, gây bất lợi cho người lao động thì cần trao đổi với người sử dụng lao động, phản ánh với tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng để sửa đổi bổ sung kịp thời.
PV:Ngược lại, đối với trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm tiết lộ bí mật kinh doanh trong thời hạn thực hiện hợp đồng cũng như sau khi kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần ứng xử như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, theo Ông?
Ông Lê Đình Quảng: Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật lao động, thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động thuộc về người sử dụng lao động. Do vậy, khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động, NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của người lao động một cách cụ thể, rõ ràng khi có hành vi vi phạm, viện dẫn đầy đủ căn cứ xác định hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh phù hợp với quy định cụ thể trong nội quy lao động. Ngoài ra, NSDLĐ phải tuyệt đối tuân theo trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn Ông!
Theo báo Tiền phong
https://tienphong.vn/bi-mat-kinh-doanh-la-thong-tin-quan-trong-doi-voi-su-ton-tai-va-phat-trien-cua-doanh-nghiep-post1473295.tpo