Bị khủng bố đến tự sát, giáo viên trở thành nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc?
16:28 21/07/2023
Mới đây, vụ tự tử của một giáo viên tiểu học trong chính lớp học của cô đã khơi lại cuộc tranh luận về quyền của giáo viên.
Cô giáo tự sát, người hành hung là học sinh, phụ huynh
Theo tờ The Korea Herald, nhiều chuyên gia tại Hàn Quốc đặt câu hỏi rằng, liệu các trường học có đủ biện pháp bảo vệ giáo viên, trong bối cảnh báo cáo về các vụ hành hung giáo viên ngày càng gia tăng. Không ít người đặt nghi vấn rằng, liệu đây có phải một trong những ngành nghề nguy hiểm tại Hàn Quốc.
Văn phòng giáo dục TP Seoul (Hàn Quốc) xác nhận rằng, một giáo viên mới vào nghề tại trường tiểu học ở Seocho-gu (phía nam Seoul) được tìm thấy là đã chết trong lớp học vào buổi sáng, trước khi năm học bắt đầu.
Theo báo cáo, đó là một nữ giáo viên 23 tuổi, người vừa vượt qua kỳ thi chứng chỉ giáo viên vào năm 2022. Nữ giáo viên này cũng vừa gia nhập vào trường từ tháng 3/2022.
Các trang tin địa phương nhận định rằng nữ giáo viên được cho là phải chịu nhiều tháng bị bắt nạt và gây áp lực bởi phụ huynh. Người này là mẹ của nữ sinh lớp 1 bị cáo buộc trong vụ bạo lực học đường.
Tuy nhiên, nhà trường đã phủ nhận toàn bộ tin đồn về việc giáo viên bị bắt nạt hay chịu bất kỳ xung đột nào liên quan đến bạo lực học đường.
Ngay sau đó, cảnh sát đã mở cuộc điều tra về vụ án. Từ đó, nhiều giáo viên khác cũng đã lên tiếng phản ứng, kêu gọi bảo vệ quyền lợi của họ.
Không chỉ riêng sự việc lần này, trước đó, một nữ giáo viên tiểu học ở Seoul cũng đã bị một nam sinh lớp 6 hành hung ngay trước mặt các học sinh khác. Hậu quả, nữ giáo viên này phải nhập viện cấp cứu.
Người này cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cô cũng cáo buộc phụ huynh của nam sinh đã gây áp lực, bắt cô tự chịu toàn bộ trách nhiệm cho sự việc lần này.
"Cả hai vụ việc nói trên khiến giáo viên trên toàn quốc phẫn nộ. Họ nói rằng sự việc đã vạch trần thực tế đen tối của các trường công lập, nơi giáo viên không còn được tôn trọng trong lớp học", tờ The Korea Herald viết.
Số liệu về sự gia tăng đáng kể về lượng giáo viên bị học sinh và phụ huynh tấn công đang khiến dân chúng phẫn nộ. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, tổng cộng có 1.133 giáo viên đã bị quấy rối từ năm 2018-2022. Ngoài ra, học sinh vi phạm quyền của giáo viên trong lớp học đã vượt quá con số 2.000 trường hợp vào năm ngoái.
Lý do hàng đầu khiến giáo viên bỏ việc
Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết, việc tước quyền của giáo viên là một sự vi phạm nghiêm trọng, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với ngành giáo dục.
"Việc bảo vệ quyền của giáo viên không chỉ bảo vệ người dạy mà còn bảo vệ quyền học tập của học sinh. Bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với các hoạt động học thuật đều không bao giờ được dung thứ," Lee nói.
Theo Giám đốc Giáo dục Seoul Cho Hee-yeon, giáo viên đôi khi phải chịu đựng tình trạng tâm lý và tình cảm kém. Văn phòng của ông cũng đang hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát, để xác định chính xác nguyên nhân cái chết của vị giáo viên nói trên.
Được biết, phía Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc cũng đã đưa ra tuyên bố, kêu gọi các cơ quan xem xét kỹ lưỡng vụ việc.
Tờ The Korea Herald nêu rõ, các nhà phê bình cho rằng hành vi lạm dụng từ phụ huynh đã góp phần làm suy giảm quyền tự chủ và quyền ra quyết định của giáo viên. Đặc biệt là khi ngày càng nhiều phụ huynh ra sức bảo vệ con cái.
Theo dữ liệu do Dân biểu Kwon Eun-hee của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền công bố, 589 giáo viên có kinh nghiệm dưới 5 năm đã rời ngành giáo dục từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2023. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2021.
Trong đó, báo cáo sai sự thật về các cáo buộc lạm dụng trẻ em và khiếu nại của cha mẹ được liệt kê là những lý do hàng đầu khiến họ bỏ việc.
Thông qua các số liệu đáng báo động, các chuyên gia giáo dục địa phương kêu gọi triển khai hệ thống trường học nội bộ để bảo vệ giáo viên khỏi phụ huynh và học sinh trong và ngoài lớp học.
Park Nam-gi, giáo sư tại Đại học Giáo dục Quốc gia Gwangju, cho biết Hàn Quốc nên học theo hệ thống hỗ trợ giáo viên của Hoa Kỳ. Đó là nơi giáo viên có thể liên hệ với hiệu trưởng và cấp trên khi họ cần giúp đỡ.