Bảo vệ thương hiệu: Sức nóng từ cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
16:32 25/11/2022
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là tuyên truyền để người dân biết cách phóng tránh, ngăn ngừa hàng giả.
“Thật-Giả” lẫn lộn, bản thân những cán bộ làm chuyên môn nếu sử dụng mắt thường cũng rất khó có thể nhận biết nổi.
Đây chính là những khó khăn trong cuộc chiến chống nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ mà Tổng cục Quản lý thị trường đề cập tại ngày mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật-hàng giả (số 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sáng nay (25/11).
"Vàng thau lẫn lộn"
Các sản phẩm mẫu được Nhà quản lý tập trung chủ yếu là hàng tiêu dùng, như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử…
Theo nhiều ý kiến đánh giá, tất cả các sản phẩm chính hãng nếu không có sự hướng dẫn của chủ sở hữu và cơ quan chức năng sẽ rất khó phân biệt được đâu là hàng giả.
Anh Phạm Tuấn, một người tiêu dùng đang tham quan tại đây chia sẻ, nếu không để hai sản phẩm bên cạnh nhau và có hướng dẫn từ cơ quan chức năng, rất khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi và phức tạp, điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đánh của nhà sản xuất mà ngay cả quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Chị Hoàng Thùy Dương, đại diện cho Tân Việt book cho hay, sách do đơn vị cung ứng thường chất lượng cao hơn so với các sản phẩm làm nhái. Theo đó, sách chính hãng có bìa dầy, chữ in sắc nét, trong khi hàng nhái dùng giấy mỏng, chữ in bị mờ, lóa.
Do đó, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả.
Trong khi đó, King Coffe cũng phải căng mình để bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ông Trần Sỹ Luận, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, sau 5 năm có mặt tại thị trường, ngoại trừ khu vực Hà Nội, tại các khu vực ngoại tỉnh và vùng xa hơn, các sản phẩm làm giả phát triển rất nhanh.
"Nhiều gian thương chỉ lấy càphê hòa tan sau đó đóng gói sản phẩm King coffe đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường," ông Luận nói.
Tuy vậy, đại diện King coffe cũng thừa nhận phía doanh nghiệp rất yếu trong việc ngăn chặn các hành vi gian dối, làm giả nên việc Tổng cục Quản lý thị trường mở phòng trưng bày hàng thật-hàng nhái nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ là động lực rất lớn để Công ty có thể phát triển.
Theo nhận xét của các cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường, không chỉ các sản phẩm đắt tiền như hàng điện tử, điện thoại, quần áo, giày dép, mà ngay cả những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày cũng bị làm giả.
Đơn cử như mì Hảo Hảo, mặc dù doanh nghiệp này chỉ bán gia vị kèm trong gói mì, nhưng trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều gói gia vị nhái bán rời, nếu người tiêu dùng không tinh ý và nắm bắt đầy đủ thông tin sẽ rất dễ mua phải hàng giả.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Những năm qua, công tác chống hàng giả, hàng nhái luôn được các cơ quan chức năng chú trọng và triển khai rất mạnh tay.
Đơn cử, tại Trung tâm thương mại Saigon Square (Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi thu hút đông đảo các khách hàng đến mua sắm. Nhưng chỉ trong lần truy quét đầu tháng 11, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng nghìn các sản phẩm có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Gucci... đã bị phát hiện và tạm giữ.
Ngoài ra, rất nhiều hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các gian thương lợi dụng dưới hình thức livestream hay bán qua mạng xã hội cũng liên tục bị lực lượng chức năng bóc gỡ.
Vụ việc gần nhất (ngày 6/10), lực lượng liên ngành đã đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, việc giao dịch ở đây chủ yếu qua livestream với đủ các mặt hàng từ thời trang, may mặc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Theo ước tính, lượng hàng hóa vi phạm lên đến hàng chục nghìn sản phẩm và phải mất 3 ngày làm việc, lực lượng chức năng mới có thể phân loại, kiểm đếm xong các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết với nhiệm vụ được giao, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường bám sát các địa bàn trọng điểm và đã có Kế hoạch triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Tuy nhiên, theo ông việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phóng tránh, ngăn ngừa hàng giả, hàng lậu.
"Cùng với việc tuyên truyền thì việc duy trì Phòng Trưng bày Hàng thật-Hàng giả từ đầu năm 2022 cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống hàng giả, cũng như hỗ trợ người sản xuất từ đó giúp đẩy lùi tệ nạn này," ông Trần Hữu Linh cho biết.
Liên quan tới lĩnh vực này, mới đây, Tổng Cục Quản lý thị trường đã ký với nhiều đối tác, chủ sở hữu của nhiều thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả.
Song để làm chuyển biến từ gốc, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thì bên cạnh việc nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu cho người dân, doanh nghiệp và các cán bộ thực thi nhiệm vụ, cũng cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để vấn nạn này./.