Các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động sang môi trường số; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ một số băn khoăn, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Đại biểu cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật là cần thiết khi công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu: tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Vấn đề đặt ra là liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm về nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, con người. "Có thể bố trí đủ kinh phí hay không, lộ trình xây dựng, nâng cấp các hệ thống hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử trong tương lai như thế nào? Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Vậy có hợp lý không khi đưa tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào?", đại biểu băn khoăn.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế; từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch.
Bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng
Quan tâm tới tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với các luật liên quan, nhiều đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất lớn và rất khó. Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đánh giá cao Ban soạn thảo đã rất kỳ công rà soát 26 luật liên quan, đã làm rõ được một số vấn đề tương thích với dự thảo Luật này.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát kỹ hơn nữa bởi dự thảo Luật chỉ đưa ra những quy định mang tính kỹ thuật để sử dụng phương tiện điện tử trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch. Hầu hết nội dung kinh tế - xã hội của các giao dịch đó lại nằm ở các luật chuyên ngành, luật cụ thể.
Theo đại biểu, dự thảo Luật đang có sự xung đột với Luật Công chứng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 11 của dự thảo Luật quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật công chứng. Trong khi theo Luật Công chứng, việc xác định tính hợp pháp, tính xác thực, vấn đề không trái đạo đức của các giao dịch, hợp đồng là vấn đề mang tính chuyên môn rất cao, phải có công chứng viên hoạt động trong tổ chức hành nghề công chứng mới được thực hiện theo quy trình, nghiệp vụ chặt chẽ.
Ngoài ra, dự thảo Luật đưa ra một dịch vụ mới với tính chất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đó là dịch vụ tin cậy với các ngành nghề cụ thể là: dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng. Dự thảo Luật dự kiến sẽ sửa phụ lục ban hành kèm theo Luật Đầu tư để đưa dịch vụ tin cậy vào phụ lục số 4 của Luật Đầu tư với tính chất ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba chỉ rõ, hiện nay, Luật Đầu tư đã quy định kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số, kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử là hai ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đại biểu cho rằng, cần cụ thể nội hàm của dịch vụ tin cậy khi đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, chứ không nên để chung chung; cần rà soát để rõ ràng, minh bạch, không xung đột với với các dịch vụ kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số hay kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử đã quy định trong Luật Đầu tư hiện hành.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh: Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định rõ các nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm. Chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể trở thành lực cản cho quá trình phát triển số của Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác, cũng sẽ không làm thay công việc của các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/bao-dam-tinh-thong-nhat-dong-bo-khi-sua-doi-luat-giao-dich-dien-tu-20221111122844575.htm