Ai đã làm giả Kế hoạch 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
14:19 20/05/2021
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh ký đã bị làm giả để Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV triển khai các nhiệm vụ ngoài kế hoạch?
“Tam sao thất bản” Kế hoạch 26 /KH-BGDĐT lưu trữ tại Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chuyện động trời đã xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khi Kế hoạch 26 /KH-BGDĐT ngày 8/1/2021 về việc triển khai “Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021” (gọi tắt là Chương trình) do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký đã bị chỉnh sửa, thay đổi nội dung nhiều lần.
Phiên bản Kế hoạch 26 /KH-BGDĐT có nội dung khác nhau (không giống bản gốc), được Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Vụ GDCTCTHSSV) gửi đến Văn thư của Bộ GD-ĐT với mục đích ban hành các công văn, giấy mời đến các cơ quan, đơn vị nhằm triển khai các nhiệm vụ không có trong danh mục kế hoạch Bộ GD-ĐT phê duyệt trong năm 2021.
Cụ thể, tại phiên bản Kế hoạch 26 /KH-BGDĐT được làm giả lần thứ nhất, tên Chương trình đã bị cắt bỏ các cụm từ “xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy” của bản Kế hoạch gốc, thay vào đó là cụm từ “Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý trong ngành Giáo dục”.
Nội dung thứ 10, mục “II. Nội dung” cũng được thêm nhiệm vụ: “khảo sát nghiên cứu các yếu tố liên quan đến nhà trường tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ vị thành niên” (không có trong bản gốc).
Đáng chú ý, phần phụ lục của Kế hoạch 26 (được chỉnh sửa, thay đổi) có tới 12 nội dung trong khi bản gốc chỉ có 11 nội dung. Theo đó, 1 nội dung đã được thêm vào là “Khảo sát, hội thảo quốc gia về nghiên cứu các yếu tố liên quan đến nhà trường tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ vị thành niên” (thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9/2021) do Vụ GDCTCTHSSV chủ trì phối hợp với Tổ chức UNICEF; Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB và XH; ĐH Quốc gia Hà Nội; các chuyên gia, cơ sở giáo dục đào tạo; các nhà trường tổ chức, thực hiện.
Tại một phiên bản Kế hoạch 26 /KH-BGDĐT giả mạo khác, đối tượng thực hiện hành vi chỉnh sửa còn trắng trợn bổ sung thêm mục đích của Chương trình là triển khai các nội dung công việc được giao tại… “Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Đây là căn cứ được các đối tượng ngụy tạo để hợp thức hóa việc triển khai nội dung công việc trong phần phụ lục của Kế hoạch 26, đó là “Hội thảo tổng kết Chương trình phối hợp triển khai đề án 1665 và thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các trường đại học tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021”; các chương trình tập huấn về công tác xã hội trong trường học (không có trong bản gốc của Kế hoạch 26). Các nhiệm vụ này được vẽ ra và xác định rõ Vụ GDCTCTHSSV chủ trì phối hợp với Hội đồng Anh; các nhà trường; các chuyên gia, diễn giả tổ chức, thực hiện.
Ai là chủ mưu?
Theo các tài liệu mà PV NNVN có được, từ những phiên bản Kế hoạch 26 có dấu hiệu bị làm giả, sai lệch về nội dung so với bản gốc, Vụ GDCTCTHSSV đã lấy làm căn cứ để xây dựng và phát hành hàng loạt công văn, giấy mời đến các đơn vị để triển khai các nhiệm vụ khi chưa được lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Sau khi vụ việc trên bị phát giác, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu Vụ GDCTCTHSSV báo cáo, giải trình. Bản báo cáo của bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chuyên viên GDCTCTHSSV ngày 4/4/2021 gửi Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thể hiện: Bà Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ GDCTCTHSSV là người chỉ đạo bà Nguyễn Thị Bích Thủy thay đổi nội dung bản Kế hoạch 26 để có căn cứ để phát hành các công văn về việc tổ chức tập huấn cán bộ nguồn về công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai ngày 28-30/1/2021; tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 3/5/2021. Đặc biệt, theo bà Thủy: “Bản Kế hoạch làm căn cứ để phát hành lớp tập huấn này được lưu tại Văn thư của cơ quan Bộ”.
Trong quá trình kiểm chứng thông tin về báo cáo sự việc của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, trong hồ sơ vụ việc, PV NNVN chưa ghi nhận bằng chứng thể hiện việc bà Lê Thị Hằng chỉ đạo chuyên viên thực hiện chỉnh sửa nội dung Kế hoạch 26 (bản gốc).
Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý, đó là ngày 26/2/2021, Phó vụ trưởng Lê Thị Hằng có gửi email cho bà Nguyễn Thị Bích Thủy và một cán bộ khác bản Kế hoạch 26 để lưu và sử dụng, coi như là bản cuối. Để chứng minh điều này, bà Thủy đã gửi kèm báo cáo giải trình ảnh chụp email và bản Kế hoạch 26 đã sửa tên Kế hoạch 26 (gốc) thành “Kế hoạch Triển khai Chương trình công tác về Phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội và Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý trong ngành Giáo dục năm 2021” với 12 nội dung phụ lục (trong khi bản kế hoạch gốc chỉ có 11 phụ lục).
Cũng trong bản báo cáo về sự việc, bà Thủy viết: “Tôi nhận thấy bản Kế hoạch số 26 mà PVT (Phó vụ trưởng) Lê Thị Hằng gửi email cho tôi và chỉ đạo tôi sử dụng có sai lệch tên, nội dung so với bản Kế hoạch 26 đã được Thứ trưởng Ngô Thị Minh phê duyệt ngày 8/1/2021. Tôi đã có ý kiến thắc mắc với PVT Lê Thị Hằng về sự sai lệch này, tuy nhiên PVT Lê Thị Hằng yêu cầu tôi phải sử dụng”.
Chiều ngày 13/5, trao đổi với Phóng viên NNVN qua điện thoại, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Ngô Thị Minh xác nhận: Có người chỉnh sửa nội dung Kế hoạch 26 để “cho lọt qua Văn thư”, để Văn thư của Bộ Giáo dục cho phép các bạn (Vụ GDCTCTHSSV – PV) phát hành giấy mời, công văn.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ GDCTCTHSSV (Bộ GD-ĐT) để làm rõ những thông tin liên quan đến vụ việc, tuy nhiên, ông Linh chỉ nhắn tin lại: "Mình nhận được tin nhắn r (rồi), do Vụ bận quá nên chưa nchuyen (nói chuyện) được". Ông Linh đề nghị phóng viên liên hệ với Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Vậy, từ việc “thay ruột” Kế hoạch 26, Vụ GDCTCTHSSV đã triển khai những nhiệm vụ gì ngoài kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt? Ai đã cả gan thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để ký vào các giấy mời, văn bản này? Quan điểm xử lý của Bộ GD-ĐT liên quan đến những vi phạm trên như thế nào? Báo NNVN sẽ thông tin đến độc giả trong bài viết sau.