Thursday, 25/04/2024

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ‘tắc’, Bộ trưởng KH&ĐT hiến cách khơi thông

12:17 23/01/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng trình Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, Bộ KH&ĐT luôn dành một phần quan trọng của báo cáo để nhận diện khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, niềm tin thị trường, vấn đề khó khăn về thanh khoản, dòng tiền…

Đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng với cộng đồng doanh nghiệp trong năm mới 2023, dự báo với những cơ hội mới nhưng cũng gặp phải không ít thách thức, nhất là các kênh huy động vốn đang bị “tắc”.

Thưa Bộ trưởng, báo cáo tổng hợp các khó khăn lớn của doanh nghiệp giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), rõ ràng khó khăn về vốn đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp các ngành?

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, những vấn đề phát sinh trong nước cùng những tác động tiêu cực dài hạn của dịch COVID-19, khu vực doanh nghiệp giai đoạn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh; khó khăn trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp. Trong khi đó, đơn hàng, doanh thu, doanh số bị sụt giảm mạnh, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng.

Cụ thể, tình trạng sụt giảm niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Điều này lại càng tạo nên rủi ro cho các doanh nghiệp đã phát hành, khi tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến 2024 là rất lớn. Rủi ro đặc biệt đối với ngành bất động sản khi phần lớn dư nợ trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản trong khi thị trường này đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất ngày một tăng cao.

Huy động vốn qua thị trường cổ phiếu tiếp tục gặp nhiều khó khăn: Dòng tiền vào thị trường đang sụt giảm do: Các tổ chức tín dụng kiểm soát cho vay, đầu tư chứng khoán chặt chẽ hơn và lãi suất cho vay ký quỹ tăng; các doanh nghiệp lớn phải thanh lý danh mục đầu tư cổ phiếu để cân đối dòng tiền mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh không tiến cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tâm lý lo ngại, thận trọng và niềm tin sụt giảm của nhà đầu tư trước những tác động tiêu cực từ bối cảnh rủi ro vĩ mô và những vi phạm trên thị trường vốn.

Thanh khoản của các ngân hàng đang gặp nhiều áp lực và lãi suất cho vay tăng cao khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp gần như bế tắc: Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm bởi phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại buộc phải gia tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, đẩy mặt bằng lãi suất lên vay lên cao, lên tới 13-15%.

Là cơ quan đầu não thực hiện tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có những kiến nghị gì với Chính phủ để khơi thông các thị trường trên, thưa Bộ trưởng?

Trong bối cảnh như vậy, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phuc hồi kinh tế; hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế.

Tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể nói, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, Bộ KH&ĐT liên tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng trình Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, Bộ KH&ĐT luôn dành một phần quan trọng của báo cáo để nhận diện khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, niềm tin thị trường, vấn đề khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tình trạng nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, giờ làm,…

Năm 2022, do tác động những biến động khó lường của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã chịu các ảnh hưởng không nhỏ. Các thị trường đều gặp những “trục trặc” như: xăng dầu khan hiếm; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp biến động; thị trường bất động sản đóng băng… Thực tế này cho chúng ta bài học gì trong cách điều hành kinh tế của năm 2023, thưa ông?

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam dù đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn chịu tác động sâu sắc từ những biến động nhanh, mạnh của tình hình thế giới.

Từ cuối tháng 10 trở lại đây, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp… có xu hướng chậm lại; các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được xử lý, tháo gỡ triệt để; niềm tin thị trường giảm sút. Thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực lớn; xuất hiện tình trạng khó khăn, có thời điểm xuất hiện “nút thắt” về dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế. Trước những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, đại phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để ứng phó.

Từ thực tiễn trong công tác điều hành, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất, bám sát đường lối, quan điểm điều hành của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn.

Thứ hai, trong bối cảnh càng có nhiều khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, chung tay, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu nhưng thích ứng linh hoạt, quyết liệt hiệu quả trong điều hành.

Thứ ba, theo dõi sát, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, bình tĩnh, bản lĩnh, tự tin, chủ động phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ phát sinh.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, “nói đi đôi với làm”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tránh độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa yếu tố nội lực và ngoại lực, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chúng ta đang chịu sức ép rất lớn từ cuộc chạy đua thắt chặt tiền tệ của các nước. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Một số ý kiến cho rằng, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao?

Năm 2022, nhiều nền kinh tế trên thế giới có sự điều chỉnh trong quan điểm điều hành chính sách, đó là chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát thay vì phục hồi kinh tế. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023, nhất là khi Fed và nhiều ngân hàng trung ương vẫn đang cho thấy những tín hiệu, động thái tương đối thận trọng với lạm phát, thậm chí chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế cho tới khi lạm phát được kiểm soát. Trong điều kiện như vậy, áp lực điều hành chính sách vĩ mô đối với Việt Nam là rất lớn, cần phải cân đối hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải chú ý đến đặc điểm của nước ta là nước đang phát triển nên cần quan tâm hơn đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ đã đã điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt và kịp thời thích ứng với các diễn biến bất định, rủi ro của thị trường trong nước và quốc tế.

Đảng, Nhà nước luôn xác định việc điều hành đồng bộ, hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là quan điểm, định hướng quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức, các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, thúc đẩy hiệu quả tổng thể của các chính sách, nhất là khi dư địa điều hành chính sách đang có xu hướng thu hẹp dần lại.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những “nút thắt” giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để các chính sách vận hành và phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành để phục vụ công tác xây dựng, điều hành các mục tiêu phát triển vĩ mô; nâng cao năng lực phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp.

Theo Kinh doanh

https://vnbusiness.vn/viet-nam/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-bi-tac-bo-truong-kh-amp-dt-hien-cach-khoi-thong-1090517.html

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke