Friday, 29/03/2024

Việt Nam chủ động giảm thiểu tác động từ việc ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất

20:22 29/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, khoảng 90 ngân hàng Trung ương của các nước trên thế giới đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất và phá giá đồng nội tệ. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, vì vậy, Việt Nam chấp nhận tác động của kinh tế thế giới và chủ động giải pháp giảm tác động tiêu cực đối với kinh tế.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Sun Tech. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Để hiểu rõ hơn những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đối với kinh tế Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát trong nước đang được kiểm soát tốt, nhưng trong thực tế dễ dàng nhận thấy giá cả hàng hóa và các loại chi phí đều tăng. Ông lý giải gì về điều này?

Lạm phát của nền kinh tế được đánh giá qua biến động giá của 750 loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, đại diện cho 11 nhóm dùng để tính toán và công bố lạm phát, bao gồm: hàng hoá tiêu dùng cho ăn uống, đi lại, thắp sáng cho đến dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá, viễn thông.

Trong 9 tháng qua, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, làm tăng giá cả hàng hoá qua khâu lưu thông, tăng giá sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, điều đó cũng làm tăng chi phí của những ngành có xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất như: vận tải, đánh bắt khai thác thuỷ sản…

Lạm phát được kiểm soát tốt là do Chính phủ và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để kiềm chế như: bình ổn giá nhiều mặt hàng ở các siêu thị; không tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện...; đảm bảo đủ nguồn hàng cho tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã cắt giảm một phần lợi nhuận trong khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng để không tăng giá bán, góp phần đáng kể trong kiềm chế lạm phát.

Hiện nay, mua bán cho tiêu dùng hàng ngày của người dân về lương thực, thực phẩm đa phần ở chợ truyền thống, không thực hiện chương trình bình ổn giá. Giá bán trên thị trường này chịu tác động rất lớn từ giá xăng dầu, giá cước vận chuyển. Khi các loại hàng hoá này tăng giá ảnh hưởng ngay tới chi tiêu và tâm lý người tiêu dùng. Từ đó, tạo ra sự hoài nghi đối với số liệu lạm phát của toàn nền kinh tế.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi lạm phát trên thế giới được kiểm soát. Vậy giá cả hàng hóa trong nước liệu có giảm ngay hay có độ trễ, thưa ông?

Khi lạm phát trên thế giới được kiểm soát thì giá cả hàng hóa trong nước cũng sẽ giảm nhưng sẽ có độ trễ để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Độ trễ giảm giá hàng hoá trong nước vì hàng hoá nhập khẩu được mua trước đó, trong khi giá thế giới chưa giảm.

Bên cạnh đó, giá sản phẩm được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới chỉ là một yếu tố quan trọng cấu thành giá bán sản phẩm. Doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phải tính toán cơ cấu các khoản chi phí mới quyết định giảm giá bán.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022 chỉ số giá nguyên vật liệu đã tăng tới 6%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng rất cao, bình quân 9 tháng tăng 10,68%, là các mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Những số liệu này nói lên điều gì đối với kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Trong 9 tháng, chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm kể từ năm 2012 đã tác động làm chỉ số giá sản xuất (PPI) sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21%. Chỉ số PPI sản phẩm công nghiệp tăng 4,71%. Chỉ số PPI dịch vụ tăng 3,34%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 8,31%.

Điều này cho thấy, giá sản xuất hàng hoá và dịch vụ của tất cả các ngành trong nền kinh tế đã tăng. Từ đó, lan truyền sang giá tiêu dùng, tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất chiếm 37% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá 9 tháng tăng 10,86%; trong đó, giá nhập khẩu xăng dầu, sắt, thép tăng từ 30% đến trên 40% là dấu hiệu phản ánh sức ép về nhập khẩu lạm phát của kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt chi phí sử dụng xăng dầu chiếm tỷ lệ 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Dự báo, giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế Việt Nam; gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực. Đồng thời, làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô, làm giảm tiến độ và hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Mặc dù, Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới đang thực thi các giải pháp mạnh để kéo giảm lạm phát, tuy vậy, lạm phát vẫn ở mức cao. Vậy theo ông, lạm phát thế giới đang tác động đến Việt Nam như thế nào?

Kinh tế Mỹ, kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu - các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn của kinh tế nước ta đang gánh chịu mức lạm phát rất cao. Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã liên tục với 5 lần tăng lãi suất đồng USD để kiềm chế và kéo giảm lạm phát, điều này làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh đối với các đồng tiền trên thế giới. Làm cho giá cả hàng hoá tính theo USD tăng cao.

Khi Fed tăng lãi suất, ngân hàng trung ương các nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phải tăng lãi suất và điều chỉnh tỷ giá. Điều này tác động tới lạm phát của nền kinh tế Việt Nam qua chi phí vốn tăng, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng và tỷ giá hối đoái tăng.

Đặc biệt, 70% giá trị trao đổi thương mại quốc tế của Việt Nam được thực hiện qua USD nên khi đồng USD tăng giá làm cho sức ép về nhập khẩu lạm phát và lạm phát chi phí đẩy gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và chi phí logistic thế giới vẫn ở mức cao cũng ảnh hưởng tới lạm phát phát trong nước.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải đối mặt và ứng phó ra sao để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, thưa ông?

Trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất, khoảng 90 ngân hàng Trung ương của các nước trên thế giới đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất và phá giá đồng nội tệ. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và không phải là “ốc đảo”. Vì vậy, Việt Nam phải đối mặt với thực tế này và chấp nhận tác động của kinh tế thế giới để chủ động giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Trong một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần tăng lãi suất điều hành, nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá. Chính phủ đã trình Quốc hội mục tiêu năm 2023 về tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% đã phần nào phản ánh quan điểm nhìn nhận thực tế này.

Trong bối cảnh này, thực thi chính sách tiền tệ và tài khoá của Việt Nam cần đảm bảo các mục tiêu như: giữ ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo tính thanh khoản, giảm thiểu dòng vốn gián tiếp chảy ra khỏi nền kinh tế. Đồng thời, giảm thiểu áp lực nhập khẩu lạm phát và lạm phát chi phí đẩy; giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Vì vậy, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính tiền tệ thế giới và trong nước. Đặc biệt, điều hành lãi suất và tỷ giá đảm bảo vốn tín dụng, tính thanh khoản, hạn chế dòng vốn gián tiếp chảy ra ngoài. Cùng đó, có chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá phù hợp, ưu đãi cho một số ngành, lĩnh vực tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp đảm bảo sản xuất với chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần chủ động dự báo thị trường và biến động giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới; đa dạng nguồn cung, không phụ thuộc vào một thị trường, cung ứng đủ nguyên nhiên vật liệu duy trì sản xuất ổn định.

Cùng với đó, có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển, logistic, đưa tỷ lệ chi phí này ngang bằng tỷ lệ của khu vực và thế giới. Khu vực doanh nghiệp cũng đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các ngành, lĩnh vực trong nước, nhằm chủ động cung cấp nguyên nhiên vật liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tin tức

https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-chu-dong-giam-thieu-tac-dong-tu-viec-ngan-hang-trung-uong-cac-nuoc-tang-lai-suat-20221028115048855.htm

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

16/10/2023

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke