Tuesday, 30/04/2024

Nga có thể lợi bất cập hại khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc

00:54 24/07/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Nga có thể đối mặt nguy cơ gây tổn hại mối quan hệ với các đối tác quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc.

Nga hôm 17/7 thông báo dừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine. Sáng kiến được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán và ký tại Istanbul năm ngoái, cho phép Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển ra thị trường thế giới.

Giới quan sát cho rằng mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc là thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Nga. Khi ký thỏa thuận, nga đồng ý mở hành lang an toàn trên Biển Đen cho tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua, đổi lại phương Tây phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt với nông sản và phân bón Nga.

Tuy nhiên, Moskva cho hay sau hơn một năm thực thi thỏa thuận, các hạn chế này hầu như chưa được nới lỏng và Nga chỉ xem xét quay lại thỏa thuận nếu phương Tây "có hành động thực chất, thay vì hứa hẹn". Giới quan sát cho rằng đây là cách Nga gây sức ép với Mỹ và các nước châu Âu.

Tuy nhiên, phương Tây đến nay không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ, trong khi động thái của Nga có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chính họ, khi nó tác động tiêu cực đến các đối tác thân cận.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận của Nga có thể ngăn hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu, khiến đồng minh thân cận như Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước có lập trường thân thiện với Nga như Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Phi, theo giới quan sát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva hôm 13/7. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng làm trung gian đàm phán thỏa thuận, đã thúc đẩy Nga gia hạn sáng kiến ngũ cốc và cho biết ông sẽ đàm phán với Tổng thống Putin.

Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như đối tác thương mại hàng đầu và trung tâm hậu cần cho thương mại Nga trong bối cảnh Moskva hứng chịu nhiều đòn trừng phạt từ phương Tây. Điều này có thể cho phép ông Erdogan nâng cao vị thế và tìm kiếm nhượng bộ từ lãnh đạo Nga, người mà ông gọi là "bạn thân".

Thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp đôi vào năm ngoái, lên 68,2 tỷ USD, khiến Mỹ hoài nghi Moskva đang tận dụng quan hệ với Ankara để vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng kim ngạch thương mại tăng chủ yếu do chi phí năng lượng cao hơn.

Một số nhà quan sát ở Moskva suy đoán Nga hồi tháng 5 đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm hai tháng nhằm giúp ông Erdogan tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu thời gian đó. Tuy nhiên, thái độ của Nga đã thay đổi khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có xu hướng xích lại gần phương Tây.

Ông Erdogan đầu tháng này ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phóng thích một số chỉ huy tiểu đoàn Azov từng tham gia cuộc chiến ở Mariupol. Động thái của Ankara đã vấp chỉ trích quyết liệt từ Moskva.

Kerim Has, chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ ở Moskva, cho biết ông Erdogan đã theo đuổi nỗ lực nối lại quan hệ với phương Tây sau khi tái đắc cử, bổ nhiệm nội các "thân phương Tây" và áp dụng lập trường khiến Điện Kremlin "khó chịu".

"Đó là tình thế khó xử với ông Putin. Ông ấy ủng hộ Tổng thống Erdogan tái đắc cử nhưng phải đối mặt với một Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phương Tây hơn trong giai đoạn tới", Has nói.

Moskva có thể cố gây áp lực với ông Erdogan bằng cách thách thức lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Syria, nơi Ankara ủng hộ nhóm nổi dậy vũ trang chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad, vốn là đồng minh của Nga.

Nga tháng này trở nên cứng rắn hơn khi phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực do phe đối lập kiểm soát qua cửa khẩu biên giới Bab el-Hawa với Thổ Nhĩ Kỳ. Moskva thậm chí cảnh báo đóng cửa cửa khẩu quan trọng này.

Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng lập trường cứng rắn của Nga trong vấn đề này là nỗ lực để gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Khalifa, quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, từng được xem là chiến thắng ngoại giao giúp nâng vị thế của ông Erdogan, cũng sẽ tăng thêm áp lực với Ankara.

Michael Tanchum, chuyên gia về an ninh lương thực kiêm thành viên của Viện Trung Đông, nói rằng quyết định của Nga cũng có thể được xem là thông điệp cảnh báo Ankara "nên thận trọng khi duy trì chính sách cân bằng giữa Nga và Ukraine".

Tổng thống Erdogan tuyên bố quyết tâm bảo vệ thỏa thuận, vì xem đây là "sáng kiến quan trọng" đối với nhân loại.

"Việc chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ có nhiều tác động tiêu cực, như tăng giá lương thực toàn cầu, đẩy một số khu vực vào nạn đói và thúc đẩy làn sóng di cư mới. Chúng tôi nhất quyết ngăn chặn điều này", Tổng thống Erdogan nói tuần này.

Nga cũng có thể đối mặt thêm rắc rối trong quan hệ với đồng minh thân cận Trung Quốc và các nước thân thiện ở châu Phi vì quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Dữ liệu công bố cho thấy Trung Quốc nhập gần 1/4 lượng ngũ cốc được xuất khẩu từ Ukraine trong gần một năm qua, trong bối cảnh nước này đang đối mặt nhiều thách thức để nuôi 1,4 tỷ miệng ăn. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết đòn tập kích của Nga hôm 19/7 nhắm vào cảng Odessa đã phá hủy 60.000 tấn ngũ cốc đang chuẩn bị được chuyển tới Trung Quốc.

Ngũ cốc được chuyển lên sà lan tại cảng Reni, tỉnh Odessa, Ukraine hồi tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

Các nước nghèo cũng có thể chịu ảnh hưởng lớn vì quyết định của Nga, bởi Chương trình Lương thực Thế giới đã mua hơn 80% lúa mì từ Ukraine trong năm nay thông qua Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen để chuyển tới cho các nước khó khăn như Sudan, Somalia và Afghanistan.

Điều này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại sự đổ vỡ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể đẩy nhiều nước vào tình cảnh khó khăn hơn về lương thực, đặc biệt ở châu Phi.

Tuy nhiên, Điện Kremlin nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các nước nghèo ở châu Phi sau khi chấm dứt thỏa thuận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đề nghị này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh giữa Nga với các nước châu Phi ở St. Petersburg cuối tháng này.

Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây sử dụng thỏa thuận ngũ cốc để "làm giàu cho chính mình" thay vì hoàn thành mục tiêu giảm nạn đói như tuyên bố ban đầu. Bất chấp những lời chỉ trích này, động thái của Nga có thể khó xoa dịu lo ngại của các nước châu Phi về nguy cơ thiếu lương thực.

Dù vậy, những người có lập trường cứng rắn ở Moskva vẫn ca ngợi quyết định của Tổng thống Putin, khi họ coi thỏa thuận ngũ cốc chỉ là "hy vọng hão huyền" về một thỏa hiệp với phương Tây.

Nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin Sergei Markov cho rằng Nga lẽ ra phải quyết định rút khỏi thỏa thuận từ lâu. "Việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc chỉ đưa tới những những điều bất lợi cho Nga", ông nói.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/nga-co-the-loi-bat-cap-hai-khi-rut-khoi-thoa-thuan-ngu-coc-4632573.html

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke