Thursday, 25/04/2024

Huyền tích những anh hùng từ hai ngọn núi thiêng dưới chân Tam Đảo

09:41 06/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Tể tướng Lưu Nhân Chú – hào kiệt nước Nam là 1 trong 18 anh hùng trong Hội thề Lũng Nhai năm xưa. Huyền tích về Lưu Nhân Chú gắn liền với hai ngọn núi thiêng dưới chân dãy Tam Đảo.

Toàn cảnh đền thờ Lưu Nhân Chú và ngọn núi Võ phía sau.

Núi Văn - núi Võ nằm trên đất xã Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ - Thái Nguyên). Núi Văn cao hơn trăm mét, từ phía đông nhìn lại trông tựa hình chiếc mũ cánh chuồn của quan văn khi xưa. Cách núi Văn khoảng gần cây số là núi Võ có hình giống mũ trụ của quan võ.

Cả hai ngọn núi còn lưu giữ dấu tích năm xưa Lưu Nhân Chú họp bàn việc nước, luyện quân chuẩn bị cuộc chiến đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Hào kiệt nước Nam

Tượng Lưu Nhân Chú tại Đại Từ.

Chính sử ghi nhận Lưu Nhân Chú quê ở xã Thuận Thượng, tức xã Văn Yên và Ký Phú ngày nay. Dưới chân dãy Tam Đảo, ở vùng núi Văn - Võ được các nhà phong thủy thời xưa xác định là căn cốt long mạch của dãy Tam Đảo huyền thoại. Từ vùng đất này, khí thiêng kéo dài đến núi Tản Viên.

Ông Lưu Sỹ Phiến, hậu duệ đời thứ 19 của anh hùng Lưu Nhân Chú cho hay: Theo truyền miệng, thì bố của tướng Lưu Nhân Chú trong một lần vào rừng săn bắt, khi ngủ cạnh hai tảng đá lớn ở khu Miễu thì mối đùn lên cao trùm khắp cơ thể.

Biết đây là khu đất thiêng tất sinh anh hùng, thầy phong thuỷ người Tàu liền cho người sang khu Miễu tìm ngôi mộ kết ấy để phá long mạch. Chúng đào một rãnh sâu giữa hai tảng đá và chôn than xuống dưới.

Sau này, hậu duệ dòng họ Lưu đã nhiều lần tìm đến khu Miễu, nhưng đào sâu bao nhiêu cũng không hết lớp than. Hiện tại, khu vực Miễu vẫn còn hai tảng đá hình ngai vàng và những rãnh sâu của lớp than trấn yểm năm xưa. 

Theo sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn thì Lưu Nhân Chú thời trẻ nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Trong một đêm ông nằm ngủ trọ ở đền thờ thần, nằm mộng được điềm tốt. Sau đó, ông vào Lam Sơn theo Lê Lợi, được làm Thứ thủ ở vệ kỵ binh (?) trong quân Thiết đột.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, năm 1416 Lưu Nhân Chú nghe danh tiếng của Lê Lợi đã tụ họp tại Lam Sơn - Thanh Hoá và dự Hội thề Lũng Nhai ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, quyết cùng nhau đánh đuổi giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Nam. 

Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh, “xông pha tên đạn, ra vào trận mạc đem hết sức ra giúp” (Đại Việt thông sử).

Hiện nay, cuốn gia phả gốc về dòng họ Tể tướng Lưu Nhân Chú đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Cuốn gia phả cho biết rõ, thân sinh của Lưu Nhân Chú là Lưu Trung, lấy mẹ ông là bà dâu góa họ Lê, rồi sinh ra ông. Ông còn một người anh em cùng mẹ khác cha, cũng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn rồi làm quan nhà Lê là Trịnh Khắc Phục.

Chém đầu Liễu Thăng

Các cửa hang núi Võ đã bị lấp kín.

Năm 1424, để phá thế bao vây của quân Minh, phát triển cuộc khởi nghĩa, theo kế sách của Nguyễn Chích, Lê Lợi chuyển hướng địa bàn chiến lược vào Nghệ An. Sau khi hạ thành Đa Căng (Thọ Xuân - Thanh Hóa), phục kích thắng trận ở Bồ Đằng (Quỳ Châu - Nghệ An), nghĩa quân Lam Sơn tiến sang bao vây bức hàng thành Trà Lân (Con Cuông - Nghệ An). 

Quân Minh từ thành Nghệ An và Tây Đô tiến lên hòng giành lại. Nghĩa quân Lam Sơn tổ chức phục kích ở Khả Lưu và Bồ Ải là hai ải trọng yếu trên đường tiến lên Trà Lân. Quân ta thắng to. Quân địch bại trận phải rút về thành Nghệ An cố thủ. Trong trận này, Lưu Nhân Chú là một trong các tướng cầm quân, chiến đấu rất tài trí và dũng mãnh; “ông xông lên trước hãm trận, thu được toàn thắng, nổi tiếng một thời”. (Đại Việt thông sử).

Từ Trà Lân, nghĩa quân giải phóng các huyện đồng bằng, bao vây thành Nghệ An và củng cố đại bản doanh Đỗ Gia; tiến quân vào nam giải phóng Hóa châu; phục kích đánh thắng trận Đỗ Gia; tiến ra bắc vây thành Diễn Châu, đánh úp quân Minh từ Đông Đô vào cứu viện. Năm 1425, Lê Lợi tổ chức tiến quân ra Bắc. Lưu Nhân Chú cùng các tướng Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Triện đánh úp phá quân Minh ở thành Tây Đô.

Mùa thu năm 1426, Lưu Nhân Chú mang quân ra lộ Trường Yên, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương để chặn đường về của quân Minh do Phương Chính, Lý An chỉ huy, khi cánh quân này định bỏ Nghệ An đưa quân về cứu Đông Đô.

Tiếp đó, nhận thấy quân tinh nhuệ của giặc Minh tập trung ở thành Nghệ An, thành Đông Đô trống rỗng, Lê Lợi sai “Lưu Nhân Chú và Bùi Bị ra từ Thiên Quang, đi tuần vùng Thiên Trường, Kiến Xương, Tân Hưng, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang và Lạng Sơn để diệt đạo viện binh từ Lưỡng Quảng kéo xuống”.

Tháng 3/1427, Lưu Nhân Chú được phong chức Hành quân đô đốc tổng quản, Nhập nội đại tư mã, lĩnh 4 vệ Tiền, Hậu, Tả, Hữu, kiêm coi việc quân Tân vệ. Tới tháng 6 năm đó, Lê Lợi phong cho ông chức Tư không và dặn rằng: “Chức tước đã cao thì sớm hôm phải chăm chỉ, không nên trễ nải, biếng nhác, khiến uổng phí cả công lao”. Nói rồi, liền ban cho ông một cái tán (Đại Việt thông sử).

Mùa thu năm 1427, nhà Minh sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân kéo sang giải vây cho Vương Thông. Lưu Nhân Chú được lệnh cùng Lê Sát mang 1 vạn quân, 5 thớt voi đực lên trước ải Chi Lăng đợi đánh.

Ông cùng hợp mưu với Lê Sát, sai Trần Lựu giả thua để nhử Liễu Thăng ở Chi Lăng rồi tung quân mai phục ra đánh úp. Liễu Thăng, Lương Minh bị chém chết. Hai tướng Minh còn lại là Hoàng Phúc và Thôi Tụ cố mở đường tiến về Xương Giang. Lưu Nhân Chú và Lê Sát chặn đánh, giết được 2 vạn quân địch..

Sau đó, khi Phúc và Tụ kéo tới Xương Giang mới biết thành này đã bị quân Lam Sơn hạ, phải đóng quân giữa đồng không. Lê Lợi sai Lê Lý cùng Lê Văn An, Lê Khôi mang quân tới tiếp ứng cho Lưu Nhân Chú tổng tiến công quân Minh ở Xương Giang, giết và bắt sống toàn bộ quân địch. Tướng Hoàng Phúc cũng bị bắt.

Mộc Thạnh cầm một cánh quân viện binh khác, nghe tin Liễu Thăng bại trận nên bỏ chạy về. Vương Thông bị vây ngặt ở Đông Quan không còn quân cứu ứng phải xin giảng hoà để rút về nước.

Lê Lợi và Vương Thông bằng lòng đổi con tin. Thông cử hai tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ sang bên quân Lam Sơn còn Lê Lợi sai con cả là Lê Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan.

Ngày 22/11 năm Đinh Mùi (1427), Lưu Nhân Chú theo Lê Lợi và 13 tướng lĩnh tham gia Hội thề Đông Quan với tướng Vương Thông nhà Minh. Quân Minh cam kết rút về nước.

Anh hùng bị ám hại

Ban thờ tướng Lưu Nhân Chú tại đền thờ núi Văn - Võ.

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, tức là Lê Thái Tổ. Lưu Nhân Chú được ban quốc tính và được phong làm Suy trung Tán trị Hiệp mưu Dương vũ công thần, nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, đứng đầu hàng võ trong triều đình, kiêm coi chính sự Nhà nước.

Dịp này, vua Lê Thái Tổ ban bài chế cho ông, có đoạn: “Trẫm nghĩ: Vua tôi một thể, chân tay giỏi thì đầu được tôn. Giúp đỡ có người, rường cột chắc thì nhà mới vững. Người là người phò tá có tài, là bề tôi tận trung của nước.

Nên trẫm cho vinh hạnh ở ngôi Tể tướng, và vẫn giữ trách nhiệm coi nắm binh quyền. Nay ban cho tờ chiếu chỉ; để nêu rõ bậc quan sang” (Đại Việt thông sử). Năm sau, Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lưu Nhân Chú được phong làm Á thượng hầu, đứng hàng thứ 5.

Năm 1433 Lê Thái Tổ băng hà, Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 11 tuổi, Tư đồ Lê Sát bày mưu sai người giết hại Lưu Nhân Chú. Đến khi vua Lê Thái Tông khôn lớn, tự mình cầm quyền, biết được nỗi oan của Lưu Nhân Chú bèn trị tội Lê Sát. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng Lưu Nhân Chú là Thái phó Vinh quốc công.

Sau khi tướng Lưu Nhân Chú bị ám hại, người dân Thuận Thượng xưa đã lập đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú dưới chân hai ngọn núi Văn - Võ và hàng năm đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào đầu xuân.

Từ xưa đến nay, người dân luôn xem nơi thờ tự tướng quân Lưu Nhân Chú là danh tích đẹp hiếm có bởi sự hài hoà giữa thiên nhiên và dấu tích lịch sử.

Đối diện với núi Võ là đồi Quần Ngựa với nhiều chứng tích là những hầm hào luyện tập, đánh trận khi xưa, ngọn đồi này nhờ có rừng thông che chở nên được giữ lại nguyên vẹn. Bên cạnh đồi Quần Ngựa là hồ Tắm Ngựa, tương truyền mỗi khi tập trận xong nghĩa quân của Lưu Nhân Chú thường cho ngựa xuống đây uống nước tắm mát.

Ngọn núi Văn thuộc xã Ký Phú lại sở hữu hệ thống hang động kỳ ảo. Được mệnh danh là chiếc bút giữa vùng chảo Tam Đảo. Bởi thế ngày Tết Nguyên đán, nhiều học sinh đến đây thắp hương cầu tài, mong tiến tới trên con đường nghiên bút.

Vua Lê Thái Tổ trong một bài chế đã nhận định: “…Lê Nhân Chú đấy: Tài năng như cây tùng cây bách; chất người như ngọc phan, ngọc dư. Cứu nguy phù suy, giành lại cơ đồ trong những ngày cháo rau cơm hẩm; trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất khỏi tai ương ngựa sắt gươm vàng”.

Theo Giáo dục thời đại

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke