Tuesday, 23/04/2024

Hợp tác xã chuyển đổi số để thích ứng trong kỷ nguyên mới

17:50 02/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Kinh tế tập thể, nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng của cả nước. Trong những năm qua, khu vực kinh tế hợp tác xã nước ta có sự chuyển đổi tích cực về số lượng, quy mô, cõ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Hòa nhịp cùng dòng chảy chuyển đổi số quốc gia, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng đã chuyển mình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Sự chuyển mình tích cực

Báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới", cho biết, hiện cả nước có trên 28,2 nghìn hợp tác xã (HTX), trong đó, 18,8 nghìn HTX nông nghiệp, 9,4 nghìn HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường


Sự thích ứng của HTX với làn sóng chuyển đổi số được khắc họa rõ nét hơn qua những con số được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra vào cuối năm 2021. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước có hơn 1.700 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.900 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 1,5 lần so với năm 2019. Trong tổng số 1.700 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 1.490 hợp tác xã áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chiếm 78,4%; 151 HTX áp dụng công nghệ tự động hóa, chiếm 12,5%; 60 hợp tác xã áp dụng công nghệ sinh học, chiếm 7,1%; 16 HTX ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp, chiếm 1%…

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trên thực tế, nhiều mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Điển hình như HTX Thành Công (Quảng Trị) với công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh; mô hình "cây xoài nhà tôi" tại tỉnh Đồng Tháp ứng dụng CNTT giúp kết nối HTX với khách hàng; HTX Nông ngư 14/10 (Sóc Trăng) nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC với sản lượng 160 tấn, xuất khẩu sang châu Âu; HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước…
 

Điều đáng nói là trong 2 năm chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhiều HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và biến thách thức thành cơ hội, nhanh chóng thích ứng linh hoạt, tiếp cận chuyển đổi sang hình thức kinh doanh online trên các nền tảng thương mại điện tử. Trong tổng số 17.800 HTX nông nghiệp của cả nước, có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% HTX bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% HTX tạo website đơn giản; 7% HTX có website được xuất hiện trong top đầu kết quả tìm kiếm trên Google; 14% HTX thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm và bán hàng; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook… Một gương sáng nổi bật là HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Hòa Bình) khi gặt hái được thành công lớn từ sàn thương mại điện tử trong 2 vụ mùa nhãn năm 2021 và năm 2022. Một số HTX đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 - 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX.
 

Việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã làm thay đổi bước đầu hoạt động tổ chức và quản trị của HTX, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Từ đó, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội cả nước, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao nhận thức của xã hội đối với HTX kiểu mới.
 

Tuy đạt được những kết quả trên song công cuộc chuyển đổi số trong HTX còn diễn ra khá chậm, hiệu quả chưa cao và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Trong hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao, mới chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm tỷ lệ nhỏ 1,5%. Phần lớn các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc mà chưa đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó, kết quả một cuộc khảo sát về HTX còn cho thấy, mới chỉ có 18,9% HTX đã có kế hoạch chuyển đổi số với lộ trình thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, sự tham gia, góp mặt của các HTX chủ yếu mới dừng lại ở việc báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả.
 

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận diện rõ, chuyển đổi số tại các HTX hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực, xuất phát từ năng lực nội tại của HTX còn yếu. Đây cũng chính là những nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời là yếu tố nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các HTX. Thực tế trong những năm qua, hầu hết các HTX gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật do có quy mô nhỏ và ít có khả năng tự huy động nguồn lực từ thị trường để thực hiện chuyển đổi số. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hiện tại của các HTX ở mức thấp kém và mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX ở mức thấp do họ chủ yếu là nông dân, có trình độ còn hạn chế, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi.
 

Tiếp sức các HTX trong hành trình chuyển đổi số
 

Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Ðảng tiếp tục củng cố và phát triển vai trò khu vực kinh thế tập thể và khẳng định kinh tế tập thể sẽ được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là các nội dung mang tính chiến lược, là cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế, thể chế phát triển và quản trị cho khu vực KTTT, HTX trong giai đoạn từ nay đến năm 2045.
 

Đồng hành cùng khu vực HTX chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký HTX trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
 

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới" diễn ra vào tháng 9 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Để khu vực kinh tế HTX chuyển đổi số thành công, Thủ tướng lưu ý cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng chiến lược phải có tổng thể, tầm nhìn xa, trông rộng, đầu tư phải phân kỳ, trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin và các nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao.
 

Huy động sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã và người dân cùng chuyển đổi số HTX, nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm là:
 

Thứ nhất, thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ.
 

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững. Sớm sửa đổi Luật hợp tác xã năm 2012, trong đó nội dung cốt lõi là chuyển đổi số. Có chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số.
 

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể giúp các HTX thực hiện chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trọng tâm trong chương trình là các cơ chế đặc thù cho HTX, xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong HTX; phát triển hệ thống các sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu.
 

Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được sửa đổi, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng Chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm nguồn lực để thực hiện Chương trình. UBND các tỉnh, thành phố cần đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương.
 

Đối với hệ thống liên minh HTX, cần tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; vào cuộc sâu hơn để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số phù hợp và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 

Đóng vai trò quan trọng nhất trong chuyển đổi số, các HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ cần chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số hiệu quả, chủ động nắm bắt các cơ hội kỷ nguyên số mang lại để phát triển và thích ứng với xu hướng phát triển mới. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi là thay đổi tư duy của các thành viên của HTX từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ; nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó có sự quan tâm, đầu tư nâng cao trình độ nhân lực, thay đổi mô hình quản trị để tránh "lệch pha" giữa công nghệ và khả năng ứng dụng./.

Theo Con số sự kiện

https://consosukien.vn/hop-tac-xa-chuyen-doi-so-de-thich-ung-trong-ky-nguyen-moi.htm

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke