Thursday, 02/05/2024

"Tăng ca" khi Covid-19 tạm lắng, lao động tự do mong có thêm thu nhập

13:40 25/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online "Cả tháng sau Tết, tôi bán từ đêm đến sáng mà vẫn ế xôi. Hơn 10 ngày trở lại đây, lượng khách hàng đang dần quay trở lại" - chị Nguyễn Thị Hoa, một lao động tự do tại Hà Nội tâm sự.

"Tăng ca" kiếm thêm thu nhập

Những ngày giữa tháng 3, quay trở lại Hà Nội bán xôi đêm, chị Nguyễn Thị Hoa, (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) đang cố gắng "tăng ca" bù đắp những ngày vắng khách trước đây.

Công việc thường ngày của chị là đi bán xôi rong trên các tuyến đường phố quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa thu nhập mỗi tháng cũng được 6 - 7 triệu đồng đủ trang trải chi tiêu trong gia đình.

Hơn 23h ngày 24/3, trao đổi vớI PV, chị Nguyễn Thị Hoa nói: "Trước khi có dịch, khu vực phố cổ đông đúc, bán hàng dễ lắm. Chỉ đến 1 giờ sáng là tôi bán hết hàng và về nhà trọ ngủ. Cả tháng sau Tết, hôm nào cũng ế, bán đến sáng mà chẳng hết hàng. Hơn 10 ngày trở lại đây, lượng khách hàng đang dần quay trở lại".

Chị Nguyễn Thị Hoa đang cố gắng "tăng ca" bù đắp những ngày vắng khách.

Đạp xe rong ruổi khắp các phố phường, nếu bán hết hàng, chị Nguyễn Thị Hoa thu lời 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Số tiền này đủ để chị gửi về quê trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi 3 con ăn học.

"Tôi cố gắng lắm mới bám trụ lại được với nghề này. 6 người cùng quê lên làm nghề, ở cùng trọ thì có 3 người không quay lại Hà Nội sau đợt dịch thứ 3 mà xin đi làm công ty ở quê. Thu nhập mấy hôm nay, tăng gấp đôi hồi trước Tết nhưng tôi phải đi bán nhiều giờ hơn, quãng đường cũng xa hơn mới bán hết hàng" - chị Nguyễn Thị Hoa bộc bạch.

Không chỉ có chị Nguyễn Thị Hoa, bà Trần Thị Thắm đã gần 90 tuổi quê ở Kinh Môn, Hải Dương đang cố nán lại đường phố lúc 12h đêm với hy vọng bán thêm được vài món đồ.

Bà Trần Thị Thắm gần 90 tuổi cố nán lại 12h đêm với hy vọng có thêm khách. 

"Tôi bán vài cái bật lửa, bao thuốc, thẻ điện thoại phục vụ người đi lại đêm. Ban đêm ít người bán nên dễ bán hơn ban ngày. Hôm nay, tôi mới bán được 3 cái bật lửa với một gói thuốc lào" - bà Trần Thị Thắm tâm sự.

Trước đây, bà Trần Thị Thắm chỉ đi bán hàng đêm, còn ban ngày thì nghỉ ngơi. Dịch bệnh đã khiến bà phải đi bán hàng cả ngày lẫn đêm để kiếm vài đồng mua quả trứng, mớ rau.

"Tôi cứ đi bán, bao giờ mệt thì về nhà trọ nghỉ, nhiều hôm cũng ngủ luôn ở đường. Thu nhập ngày nhiều cũng được vài chục nghìn đồng. Hôm nay, mấy cô ở chợ nói là Hà Nội cho tất cả hàng quán, dịch vụ hoạt động trở lại, mong rằng sẽ đông khách hơn" - bà Trần Thị Thắm nói.

Cửu vạn, xe ôm mong công việc như trước

Làm nghề bốc vác tại khu vực chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã 7 năm qua, anh Nguyễn Văn Long, quê ở Giao Thủy, Nam Định cho rằng công việc đang dần trở lại với anh, tuy nhiên chỉ bằng 2/3 so với mọi năm.

Theo anh Nguyễn Văn Long, gần đây, dịch bệnh được kiểm soát khiến khối lượng công việc tăng lên.

"Trước đây, tôi làm nghề làm muối ở quê nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế nên chuyển nghề bốc vác. Với công việc bốc vác, những tháng nhiều việc tôi làm được hơn chục triệu đồng. Đợt Tết xong, dịch bệnh nên hàng hóa không nhiều, ngồi chơi cả ngày may ra được một người thuê"  - anh Nguyễn Văn Long bộc bạch.

Theo anh Nguyễn Văn Long, gần đây, dịch bệnh được kiểm soát khiến khối lượng công việc tăng lên, thu nhập cũng tăng theo. Trong thời gian tới, anh mong rằng công việc nhiều trở lại như những năm chưa có dịch bệnh.

"Những năm trước dịch, xe hàng kéo về ùn ùn. Muốn thuê chúng tôi bốc vác, chủ xe phải đặt giờ trước. Giờ thì khó khăn do Covid-19, đến lượt chúng tôi phải gọi trước cho chủ xe xem đêm hàng có về không để chuẩn bị đi làm" - anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Anh Phạm Đức Hoàng vui mừng khi mọi hoạt động được trở lại bình thường 

Vội vã đi đón cuốc khách vào đêm muộn, anh Phạm Đức Hoàng, quê ở Tân Lạc, Hòa Bình làm nghề xe ôm công nghệ không khỏi bày tỏ niềm vui khi tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở Hà Nội được hoạt động trở lại.

Anh Phạm Đức Hoàng tâm sự: "Hàng quán mở cửa nên chúng tôi cũng nhiều việc hơn. Nhiều người đi tối ngại đi xe riêng hay đi ăn nhậu uống bia rượu nên gọi xe đi về cho an toàn".

Trước đây, mỗi ngày anh Phạm Đức Hoàng thu nhập mỗi ngày khoảng 500.000 đồng. Anh mong rằng dịch bệnh không quay lại để công việc quay trở lại như những năm chưa có dịch bệnh.

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke