Saturday, 20/04/2024

Ô nhiễm môi trường cạnh KCN Khánh Phú - Kỳ 1: Ô nhiễm “bủa vây” thôn Phú Hào

15:24 09/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nằm kẹt giữa khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú và cảng than chạy dọc đê sông Đáy, hàng trăm hộ dân thôn Phú Hào (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đang phải vật lộn sống trong cảnh bụi than đặc quánh cùng nguồn đất, nước, không khí… bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tàu chở than về tập kết tại các bãi ở khu vực ngoài đê sông Đáy. Ảnh: NT

Cá, bò… chết hàng loạt

Với diện tích khoảng 15 ha, thôn Phú Hào hiện là nơi sinh sống của 430 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu. Năm 2004, thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thôn Phú Hào được thu hồi để xây dựng KCN Khánh Phú. Từ đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư, việc làm phần nào được giải quyết, thu nhập nâng lên nhưng cũng kéo vấn đề ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của người dân. 

Trong giai đoạn đầu các  doanh nghiệp (DN) trong KCN mới đi vào hoạt động, đã có nhiều vụ việc xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến cá, bò chết hàng loạt. Từng có thời điểm các cơ quan chức năng xét nghiệm phát hiện hàm lượng amoni trong nước kênh điều hòa cao gấp 1.000 lần so quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam. Qua kiểm tra ống khói lò nung của một số DN cũng từng phát hiện chỉ tiêu dioxide lưu huỳnh, oxit nito trong không khí cao gấp nhiêu lần cho phép.

Là một trong các hộ dân mới có gia súc chết do ô nhiễm, anh Lê Văn Doanh, thôn Phú Hào dẫn chúng tôi đến các khu vực cống đấu nối kênh dẫn nước thải bề mặt KCN Khánh Phú với kênh điều hòa của thôn. Chỉ vào những mảng đóng váng trên dòng kênh, anh Doanh cho hay: “Hóa chất cô đặc nên có thời điểm nước kênh điều hòa chuyển mầu, bốc mùi nồng nặc. Gần đây bò nhà tôi uống nước gần cống rồi sau đó nửa giờ nằm vật ra sùi bọt mép chết. Ô nhiễm kéo dài nên có lẽ nguồn nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng gây ngứa ngáy, dị ứng. Bà con trong thôn giờ không dám dùng nước giếng, phải đi mua nước sạch đóng chai trên nhà máy nước về đun nấu, sinh hoạt”.

Theo lãnh đạo thôn Phú Hào, hiện nay bao quanh thôn có hai hệ thống kênh nước. Bên ngoài là hệ thống kênh điều hòa dành cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Phú Hào và một số thôn lân cận. Cách một con đường là hệ thống kênh kín được xây sát chân tường rào KCN để tiêu thoát toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước chảy bề mặt trên 355 ha diện tích đất sản xuất KCN Khánh Phú. Đáng lý nước thải sẽ được dẫn về nhà máy xử lý tập trung của KCN tại Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam nhưng đầu nối vào Nhà máy Thành Nam lại nằm cao hơn nên khi mưa to nước thải tràn theo cống nối đổ ra kênh điều hòa.

Anh Lê Đình Sang, Trưởng thôn Phú Hào cho biết: “Hệ thống kênh thoát nước thải bề mặt của KCN hoạt động không hiệu quả. Từ ngày KCN đi vào hoạt động đã mấy lần xảy ra hiện tượng cá, bò chết hàng loạt. Ô nhiễm nhiều năm nên hiện kênh điều hòa chỉ còn cá rô phi, vốn là loại cá khỏe, đẻ nhiều chứ những loài như cá chép, cá trắm gần như không sống nổi”.

Quả thật khi khảo sát dọc kênh điều hòa, phóng viên gặp duy nhất một người dân vẫn cần mẫn quăng lưới, tuy nhiên từ sáng đến trưa chỉ bắt được đúng một con cá rô phi!

Kẹt giữa hai nguồn ô nhiễm

Chảy ngang thôn Phú Hào là dòng sông Đáy từng hiện lên thơ mộng trong thi ca. Tuy nhiên, sau khi hàng loạt cảng than, nhà máy đóng tàu và cảng bốc xếp hàng hóa xuất hiện dọc đê sông Đáy, đoạn qua địa phận xã Khánh Phú thì nơi đây đã thành một công trường sản xuất bị nhuộm đen bởi mầu than đầy bụi bặm, ô nhiễm.

Thời điểm chúng tôi đi khảo sát, người dân cho biết DN vừa rửa đường nhưng hàng lớp bụi than đen vẫn bám dọc đường đê và đường dẫn vào thôn. Kéo dài khoảng 5 km/6 km bờ đê qua địa phận xã Khánh Phú, hằng ngày, các đơn vị như Công ty TNHH Tiến Mạnh, Công ty TNHH Mặt trời việt Ninh Bình, Công ty than Miền bắc, Công ty Nam Phương… cho máy móc hoạt động hết công suất từ sáng tới đêm, nghiền, trộn sản xuất than. Hàng “núi” than chất đống cao ngất ngưởng, nơi có lưới che chắn, chỗ thì không. Đang thời điểm gió bắc thổi hướng về thôn nên kéo theo lượng lớn bụi than, bụi clinker đặc quánh không khí, phủ mầu đen kín mặt đường, cây cỏ.

Ông Phan Văn Cần, một đảng viên lâu năm sinh hoạt ở Chi bộ thôn Phú Hào cho biết: “Hằng ngày có hàng trăm chiếc xe tải trọng lớn chở than chạy trên đường đê, qua khu dân cư. Nhiều xe không được che chắn cẩn thận gây rơi vãi, khiến bụi bay mù mịt. Mùa nắng, ngày rửa nhà cả chục lần vẫn bám đầy bụi than, mùa mưa thì nước than đen xì chảy ngập ngụa, ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường. Trẻ con trong thôn sáng đi học sạch sẽ lắm nhưng chiều về chân tay, mặt mũi đen xì. Nhiều người già, trẻ em ở đây mắc các bệnh về hô hấp, tuần hoàn nghiêm trọng”.

Bên cạnh mối quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường do KCN và cảng than xả thải thì ông Cần cho hay, vấn đề nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch thôn cũng là điều khiến người dân lo lắng bởi nằm sát cạnh đó là một xưởng đóng tàu khiến cát, gỉ sắt bám bẩn vào nhà máy nước. Thứ hai là công nhân vệ sinh không có nhà vệ sinh mà đi trực tiếp ra bờ sông, nước lên nước xuống cũng chảy luôn vào đây.

Sinh kế lung lay

Nhiều người dân thôn Phú Hào cũng phản ánh tình trạng do cốt nền của KCN được nâng lên hàng chục cm, nên mỗi khi mưa lớn dồn nước về thôn Phú Hào gây ngập úng. Ông Trương Hồng Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khánh Phú cho biết: “Thôn Phú Hào còn khoảng trên dưới 40 mẫu ruộng nhưng hiện nay chỉ làm được một vụ còn vụ kia dân phải bỏ hoang do rất dễ bị ngập. Chúng tôi đang đề nghị Ban quản lý khu công nghiệp và tỉnh xây một bờ mương, đồng thời làm mấy cái cống để không cho nước KCN tràn vào nữa”.

Nhiều người dân cũng đề nghị tỉnh sớm có chính sách thu hồi hoặc cho chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp manh mún, xen kẹt trong trong các khu dân cư, canh tác khó khăn, hiệu quả thấp sang phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Trong khi sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn thì đối tượng trung niên, đặc biệt là phụ nữ cũng gần như không có cơ hội tìm việc làm trong KCN. Ông Phan Văn Cần cho biết: “Phụ nữ từ 40 tuổi đổ ra đi xin việc tại các công ty trong KCN đều rất khó khăn. Công việc không có, ruộng không cấy được hai vụ/ năm khiến lao động dư thừa, không có thu nhập ổn định. Cứ bảo giảm nghèo nhưng thật ra như thế này thì nhiều hộ dân sống cạnh KCN đang nghèo đi”.

Thừa nhận những phản ánh của người dân là có cơ sở, ông Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết: “Thôn Phú Hào là địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp những tác động tiêu cực về môi trường do KCN Khánh Phú và các DN sản xuất than, đóng tàu gây ra. Người dân thường xuyên phản ánh tình trạng khói bụi, mùi lạ, rồi ô nhiễm nguồn nước dẫn đến tình trạng cá chết, bò chết… Là đơn vị quản lý nhà nước của địa phương, chúng tôi cũng đã đề nghị với UBND huyện, qua đấy UBND huyện cũng tiếp thu và đề nghị Ban quản lý khu công nghiệp chỉ đạo các công ty, nhà máy phải liên tục dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, phương án tốt nhất vẫn là sớm có kế hoạch di dời bà con nhân dân thôn Phú Hào ra khỏi vùng ô nhiễm để bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài.

(Còn nữa)

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

16/10/2023

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke