Friday, 26/04/2024

COVID-19 bùng phát ở TP.HCM ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu tăng trưởng? - Bài 1: Khi 'đầu tàu' bị ốm

00:16 21/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong những tháng đầu năm, các chỉ số về kinh tế của TP.HCM đều cho thấy sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhưng kể từ cuối tháng 4, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã gây cản trở cho sự phục hồi kinh tế của thành phố. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp rơi vào trạng thái tê liệt.

LTS: TP.HCM là đô thị đặc biệt; trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức lan tỏa lớn tới cả nước. Địa phương này chỉ chiếm 0,6% diện tích Việt Nam, dân số hơn 9,2 triệu người, nhưng nhiều năm qua luôn đóng góp lớn nhất cho sự phát triển chung của nền kinh tế. 

Năm 2021, mục tiêu GRDP mà chính quyền TP.HCM đặt ra là 6%, nhưng đối mặt với những thách thức lớn từ "cơn bão" COVID-19, dự báo mục tiêu này sẽ khó lòng thực hiện. Kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng sẽ kéo theo những đóng góp cho GDP cả nước bị sụt giảm.

Theo nhận định của chuyên gia, trong kịch bản tốt nhất cho thành phố thì GRDP đạt 5%, còn trong kịch bản xấu hơn, con số này sẽ rơi vào khoảng từ 3-4%. Thời điểm hiện tại, khó lòng đưa ra một dự báo chính xác, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Để phân tích kỹ hơn về vai trò và ảnh hưởng của TP.HCM tới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Nhadautu.vn khởi đăng tuyến bài: "COVID-19 bùng phát ở TP.HCM ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu tăng trưởng?".

Tăng tốc từ những tháng đầu năm

Vào năm 2005, TP.HCM có 2.966.400 lao động có độ tuổi từ 15, năm 2008 là 3.856.500 người, năm 2009 là 3.868.500 người, năm 2010 là 3.909.100 người, năm 2011 là 4.000.900 người… và đến năm 2020, con số này đã lên tới 4.724.798 người.

Những con số này cho thấy, TP.HCM như thỏi nam châm, có vai trò rất lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi giải quyết được công ăn, việc làm cho người lao động, kéo theo sự dịch chuyển cơ học về dân số từ các tỉnh phía Đông, Tây Nam bộ và nhiều nơi trên khắp cả nước.

Trong giai đoạn 2015-2020, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước. Về ngân sách, thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia, trung tâm công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lần lượt là 15% và 33% của cả nước...

6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số kinh tế tại TP.HCM vẫn cho thấy sự ổn định trước khi thành phố bước vào giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Nguyễn Vũ Phước

Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát làm suy thoái kinh tế toàn cầu thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức dự báo từ 2-3%, trong đó có đóng góp rất lớn của TP.HCM với vai trò "đầu tàu".

Cụ thể, TP.HCM vẫn đạt mức tăng trưởng dương dù bước vào giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, với đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Quy mô kinh tế của thành phố thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực, cơ cấu kinh tế được thay đổi, gia tăng các ngành khoa học, công nghệ cao…

Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước), TP.HCM được ví như là "anh Hai Nam Bộ" bởi những đóng góp quan trọng, luôn đi đầu trong các lĩnh vực và là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Số liệu thống kê cho thấy, các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp 45% GDP, thu ngân sách chiếm 40%. Riêng TP.HCM chiếm đến 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, thành phố còn là động lực, sức cầu cho 13 tỉnh ĐBSCL. Với hơn 110 trường đại học, cao đẳng, số lượng sinh viên trên 700.000, gần 400.000 doanh nghiệp, dân số hơn 10 triệu dân…, TP.HCM là thị trường tiêu thụ rộng lớn và là trung tâm nguồn cung ứng nhân lực cho các địa phương phát triển.

Trở lại với câu chuyện mục tiêu tăng trưởng kinh tế TP.HCM, năm 2020, thành phố tăng trưởng 1,39% so với năm 2019, thu ngân sách khoảng 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74%. Đứng trước tình hình dịch bệnh, thành phố đã điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế, giảm chỉ tiêu GRDP bình quân hàng năm còn 8%, thay vì ở mức 8,3 - 8,5%.

Bước sang những tháng đầu năm 2021, thời điểm dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, chính quyền thành phố đã tăng tốc với hàng loạt các giải pháp và đặt ra những mục tiêu kinh tế cụ thể. Kết quả, thành phố đã có những chỉ số tích cực trước khi bước vào giai đoạn giãn cách xã hội bởi “cơn bão” COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, GRDP ước tăng 5,46% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; khu vực dịch vụ tăng 5,86%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,08%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước khoảng 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7%; chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 29.710 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 185.975 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, bằng 27,3% so với GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ, ngành lưu trú, ăn uống tăng 18,9%.

Có được những con số khả quan như vậy, đó là sự nỗ lực của thành phố trong trạng thái bình thường mới khi vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng khiến nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước đang trở nên khó khăn. Dự báo, 6 tháng cuối năm, các chỉ tiêu kinh tế sẽ sụt giảm đáng kể vì dịch bệnh kéo dài.

COVID-19 bùng phát trở lại - "cơn bão" quét qua thành phố

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài thời gian qua đã tác động rất lớn đến những mục tiêu phát triển của TP.HCM. Chia sẻ với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) cho biết, các chuỗi cung ứng của thành phố đang bị đứt gãy, nền kinh tế rơi vào trạng thái tê liệt.

Chính phủ, Trung ương và chính quyền TP.HCM đưa ra những biện pháp cần thiết để bình ổn chuỗi hàng hóa, thực phẩm cho người dân nhưng vẫn rất khó để lập lại sự ổn định như bình thường.

"Đơn cử như những điểm chốt chặn ở cửa ngõ thành phố tuy là rất cấp bách nhưng đây lại là điểm nghẽn, làm hạn chế nguồn cung hàng hóa, thực phẩm bởi hầu hết đều vận chuyển bằng đường bộ. Thậm chí, có vận chuyển hàng hóa bằng tàu cao tốc thì cũng chỉ đáp ứng một phần nào đó sự thiếu hụt chứ không thể như trước đây", ông Hiếu nói.

Dịch bệnh đã tác động nặng nề đến cuộc sống người dân, nhiều nhóm, ngành kinh doanh chịu tổn thất nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Vũ Phước.

Dịch bệnh đã tác động nặng nề đến nhiều nhóm, ngành nội thương. Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 81.423 tỷ đồng, giảm gần 8% so với tháng trước và giảm 5,1% so với tháng cùng kỳ năm.

Việc giãn cách xã hội đã làm hạn chế các hoạt động bán lẻ do người dân e ngại dịch bệnh, chuyển dần qua các hình thức mua sắm trực tuyến. Vì vậy, doanh thu ở các nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm mặt hàng có tỷ trọng cao như lương thực, thực phẩm chiếm 17,4%, có mức giảm là 2,6% so với tháng trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 15,1%, giảm 4,2%...

Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt 3.905 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm có mức giảm lần lượt là 20% và 25%. Trong đó, dịch vụ lưu trú giảm 34,7% so với tháng trước và giảm 60% so với tháng cùng kỳ năm. Lượng khách và doanh thu của nhóm ngành lưu trú hiện nay chủ yếu là từ các khách sạn làm địa điểm cách ly có thu phí. Hoạt động ăn uống đạt 3.743 tỷ đồng, chiếm đến 95,9% của nhóm ngành này cũng giảm đến 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chịu tác động lớn nhất từ dịch bệnh chính là dịch vụ lữ hành khi doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng, giảm 71,5% so tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm. Hàng năm tháng 6 là thời điểm của các hoạt động du lịch hè, tuy nhiên sự bùng phát phức tạp của dịch bệnh đã làm cho doanh thu từ các nhóm ngành lưu trú, lữ hành tổn thất nghiêm trọng. 

Tương tự là dịch vụ kinh doanh bất động sản chỉ đạt 19.059 tỷ đồng, giảm 9,3% so với tháng trước và giảm 8,5% so với cùng kỳ năm.  

Đặc biệt là những khu công nghiệp đang áp dụng biện pháp mạnh, đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” đã hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và những doanh nghiệp nào không đáp ứng được phải đóng cửa. Những biện pháp này là cần thiết khi tình hình dịch phức tạp, tuy nhiên, nó đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của thành phố.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm dần (4 tháng là 9,7%; 5 tháng là 7,4% và 6 tháng là 5,9%). Để duy trì đà hồi phục với mức tăng không âm là thách thức, đòi hỏi chính quyền thành phố tăng cường những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để ổn định việc làm.

Từ ngày 27/4, đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại, điều này đã tác động rất đến quá trình phục hồi của các doanh nghiệp tại TP.HCM sau một năm bị tác động của dịch bệnh.

Theo Sở KH&ĐT, doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; phát sinh chi phí phòng, chống dịch … Vì vậy, trong 5 tháng đầu năm đã có 2.458 doanh nghiệp đăng ký giải thể  (tăng 5% so cùng kỳ); 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 23,79% so cùng kỳ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nhu cầu tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp đã giảm đáng kể từ khi dịch bùng phát mạnh. Ở thời điểm này, rất khó đưa ra con số cụ thể để thống kê những tổn thất do dịch bệnh gây ra, trong khi tình hình dịch có thể còn kéo dài.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, thành phố đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng GRDP cho cả năm, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” bằng ba nhóm giải pháp trọng tâm. 

Thứ nhất, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, gồm: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động như hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của thành phố về tài chính và phi tài chính, gồm: tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng, chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Thứ ba, TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  phục hồi sản xuất kinh doanh như điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước; xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021…

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong quán triệt việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP.HCM khi đề nghị các địa phương khẩn trương hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn, phấn đấu đến ngày 23/7 mỗi địa phương phải giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch đề ra.

TP.HCM tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”. Quy định "3 tại chỗ" chỉ áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất, còn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục vụ hàng hoá thiết yếu, hoạt động ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận chuyển, xuất nhập khẩu, khám chữa bệnh vẫn hoạt động.

Theo Nhà Đầu tư

https://nhadautu.vn/covid-19-bung-phat-o-tphcm-anh-huong-the-nao-toi-muc-tieu-tang-truong--bai-1-khi-dau-tau-bi-om-d55183.html

 

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke