Friday, 26/04/2024

Chuyển đổi số trong thương mại nông sản: Đòi hỏi cấp thiết

19:45 13/11/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Chuyển đổi số được xem là đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị cho chủ thể sản xuất, kinh doanh. Ở đó, xúc tiến thương mại điện tử đang được nhiều địa phương ứng dụng vào thực tiễn tiêu thụ nông sản.

Những bước đi đầu tiên

Vải thiều được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang. Trung bình mỗi năm, nông dân tỉnh này sản xuất khoảng 180.000 - 200.000 tấn vải thiều. Dù vải thiều có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuy nhiên việc tiêu thụ không phải lúc nào cũng thuận lợi, mà ảnh hưởng trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát là một minh chứng rõ nét.

Để tạo đầu ra cho vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp, đưa vải thiều lên tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử gồm: Postmart.vn và Voso.vn. Tỉnh cũng từng bước hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số và nhãn hàng số) trên những kênh thương mại điện tử.

Chonhaminhh.vn là sàn thương mại điện tử nông sản do Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng, quản lý vận hành.

Với việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã mở rộng được đầu ra. Tính riêng vụ vải thiều năm 2022, đã có hơn 10.500 tấn vải thiều của địa phương này được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Tương tự tại tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành xây dựng và vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử hatinhplaza.com và hatinhtrade.com. Cùng với đó là hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh đưa hàng hoá, nông sản lên quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ trên những kênh thương mại điện tử phổ biến khác như: Sendo, Shopee, Voso, Postmart…

Tính đến nay, đã có có trên 500 sản phẩm OCOP và các mặt hàng tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh tiếp cận được với sàn thương mại điện tử. Doanh thu bán lẻ trực tuyến của các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh thông qua phương thức này tính từ đầu năm 2022 đạt trên 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số. Từ đầu năm 2021 đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn chủ thể phương thức bán hàng trực tuyến (online), tương tác trực tiếp (livestream)...

Cùng với bắt tay với Tiktok Việt Nam đưa sản phẩm OCOP lên nền tảng giải trí số 1 thế giới, Hà Nội cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành tương đối hiệu quả trang thương mại điện tử chonhaminh.com.vn. Qua đó, mở rộng kênh tiêu thụ nông sản cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Vẫn còn không ít khó khăn

Thực tế hiện nay, khả năng quản trị sản phẩm, gian hàng trên sàn thương mại điện tử của các chủ thể nhìn chung còn nhiều hạn chế. Tính chuyên nghiệp là điều mà nhiều chủ thể chưa có được, từ khâu xây dựng hình ảnh, quảng cáo tiếp thị đến tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn hàng…

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) Đinh Văn Sơn cho biết, hiện nay quy trình quản lý của đơn vị vẫn chủ yếu thông qua sổ sách ghi chép bằng tay. Sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận 4 sao OCOP, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện quy trình cấp mã truy xuất nguồn gốc để đưa lên sàn thương mại điện tử.

Người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua việc quét mã QR Code.

“Do mới thành lập nên việc quản trị vận hành với HTX còn rất nhiều mới mẻ. Chúng tôi đang từng bước nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mật ong, để từng bước chuyển đổi sang quản lý sản xuất, tiêu thụ bằng thiết bị công nghệ…” - ông Đinh Văn Sơn cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, do địa bàn rộng, dân cư sinh sống tản mác nên việc tiếp cận hạ tầng chuyển đổi số trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của nông dân địa phương hiện gặp nhiều khó khăn. “Vùng nuôi cá tầm, cá hồi cách xa trung tâm, người dân muốn áp dụng kinh tế số để tiêu thụ nhưng lại gặp khó trong việc kết nối mạng internet…” - bà Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin thường chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính. Chi phí dịch vụ logistics gắn với thương mại điện tử hiện nay vẫn còn ở mức cao.

Thêm nữa, việc thay đổi tập quán, phương thức kinh doanh trực tiếp truyền thống sang trực tuyến còn khó khăn do hạn chế về nguồn vốn, năng lực ứng dụng công nghệ… Đây là những rào cản khiến thương mại điện tử chưa phát triển tương xứng.

Hoàn thiện khung pháp lý

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại điện tử nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ TT&TT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. 

Nhất quán trong việc sử dụng nền tảng ứng dụng cũng là một vấn đề đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số nông nghiệp nói chung, thương mại nông sản nói riêng. Điều này có ý nghĩa quan trọng, tránh việc mỗi địa phương làm một phách, gây lãng phí và khó khăn trong việc kết nối quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thương mại nông sản nói riêng là đòi hỏi đặt ra cấp thiết. Điều này có ý nghĩa lớn đối với việc mở rộng thị trường đầu ra; quảng bá, giới thiệu và đưa nông sản của các địa phương đến với đa dạng thị trường.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại nông sản, muốn thành công thì trước hết cần hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý. Đối với nội dung này, đại diện Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ TT&TT quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn thông tin.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp xây dựng những chuỗi liên kết giữa các địa phương trong phát triển dịch vụ logistics gắn với thương mại điện tử, nhằm giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh cho những tổ chức kinh tế. Đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đối số, nhất là với nông dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết. 

Theo Kinh tế đô thị

https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-trong-thuong-mai-nong-san-doi-hoi-cap-thiet.html

Chia sẻ bài viết

VIVINA KẾT NỐI GIAO THƯƠNG VIỆT NAM - LÀO VÀ MỞ RỘNG VÙNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và ...

23/04/2024

Nhiều địa phương thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Bằng việc tận dụng tán rừng, nhiều địa phương đã ...

18/09/2023

Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung, có ngành chỉ 15 điểm cũng đỗ

Sau khi vẫn còn thiếu chỉ tiêu, nhiều trường đại ...

18/09/2023

Honda trình làng mẫu xe điện gấp gọn như vali

Honda Motocompacto là một chiếc xe máy điện có ...

18/09/2023

Nhật Bản tiết lộ phát minh mới cho thế hệ tên lửa tiếp theo

Hãng tin Nikkei Asia ngày 18/9 đưa tin Cơ quan ...

18/09/2023

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng kế ...

18/09/2023

Người đàn ông khóc ngất sau khi mua hàng “khuyến mãi” hàng triệu đồng

Hàng trăm người ở huyện miền núi Nghệ An bị một ...

18/09/2023

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Liên quan đến trách nhiệm xử lý bao bì thuốc bảo ...

13/09/2023

Hải Phòng sắp có khu kinh tế ven biển thứ 2 rộng 20.000 ha

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng dự kiến diện ...

13/09/2023
Thong ke